DetailController

Tin từ các đơn vị

Kết quả phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh

16/06/2020 00:00
Trong những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng được mở rộng, phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Hàng hóa được đưa ra thị trường phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,66%.
Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch tại hai xã Hang Kia - Pà Cò huyện Mai Châu góp phần đưa du lịch tỉnh Hòa Bình đến với du khách trong nước và quốc tế

Công tác quản lý nhà nước về thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, UBND tỉnh đã ban hành nhiêu cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển lĩnh vực thương mại đáp ứng yêu cầu thực tiễn như: Quy định về quản lý và phát triển chợ; quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn; các đề án hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực,...; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần thiết lập trật tự kỷ cương trong kinh doanh thương mại, dịch vụ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân hàng năm tăng 17,9%, đến năm 2020 ước đạt 36.720 tỷ đồng, gấp 2,36 lần so với năm 2015. Có hơn 1.000 doanh nghiệp và trên 30 nghìn hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch,... điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng GRDP ngày càng cao.

Hoạt động xuất khẩu có mức tăng trưởng cao, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng với các sản phẩm ngày càng phong phú. Tồng kim ngạch xuất, nhập khẩu đến năm 2020 ước đạt 1.716 triệu USD, tăng gấp 3,15 lần so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt 27,05%, nhập khẩu bình quân hàng năm ước tăng 25%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm may mặc, điện tử, thấu kính quang học, kim loại và ván gỗ ép,... Thị trường chủ yếu là các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Anh, Hà Lan, Úc,... Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các dự án du lịch sinh thái kết hợp với trồng rừng, khu nghỉ dưỡng, thể thao tăng nhanh, Trong 5 năm, đã thu hút đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác nhiều khu du lịch mới như: Khu du lịch sinh thái Mai Châu Ecologe, Serena resort, khu du lịch sinh thái Bakhan,... Toàn tỉnh có 434 cơ sở lưu trú, trong đó có 39 khách sạn, 238 nhà nghỉ và 157 hộ kinh doanh, du lịch cộng đồng. Loại hình du lịch cộng đồng phát triển dựa trên bản sắc văn hóa các dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao đã tạo ra điểm du lịch mới thu hút khách du lịch. Ngoài ra, tỉnh đã mở rộng các hoạt động liên kết du lịch với các tỉnh Tây Bắc, thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các công ty lữ hành trong nước, quốc tế. Cùng với đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tập trung giới thiệu tiềm năng du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, sách quảng cáo du lịch, băng đĩa, tạp chí, Webside,... Trong 5 năm, toàn tỉnh có khoảng 13,87 triệu lượt khách tham quan, du lịch tại tỉnh, bình quân hàng năm tăng 10,6%, trong đó khách quốc tế khoảng 1,3 triệu lượt người; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 8.373 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 26%.

Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Số lượng phương tiện đường bộ tăng khá nhanh từ 322.009 phương tiện năm 2015 lên 448.090 phương tiện năm 2020; chất lượng phục vụ, chất lượng các phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao, mức lưu chuyển hàng hóa tăng trên 5%/năm./.