DetailController

Tin từ các đơn vị

Kết quả nổi bật trong triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã trên địa bàn tỉnh

22/06/2022 00:00
Giai đoạn 2002-2021, tổng nguồn vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã là khoảng 45,54 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ tập trung vào nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, vận hành hợp tác xã; mở rộng thị trương; hỗ trợ về khoa học- công nghệ; ưu đãi về tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất. Qua đó, hợp tác xã có điều kiện thuận lợi để tạo tra nhiều sản phẩm chất lượng tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể. Tỉnh đã tổ chức 103 lớp cho 4.540 lượt cán bộ quản lý Nhà nước cấp huyện, xã, cán bộ quản lý hợp tác xã và thanh niên. Các nội dung bồi dưỡng, đào tạo đa dạng, chú trọng đến kinh nghiệm thực tiễn như: Tài chính kế toán hợp tác xã, quản trị chuỗi giá trị, phổ biến pháp luật về hợp tác xã,... Một số hợp tác xã được bố trí cán bộ có trình độ về làm việc. Trong đó có việc thí điểm đưa 17 cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại 13 hợp tác xã trong giai đoạn 2018-2020. Qua đó, đã giúp các hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động.

Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch xúc tiến thương mại cho hợp tác xã, đưa các sản phẩm của hợp tác xã tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh. Khi tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã phối hợp thành lập 12 nhóm Zoom để kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh. Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ năng bán hàng online và đưa sản phẩm lên sàn thương mại Voso và Posmart. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch và hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Đã triển khai 32 dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp cho 45 hợp tác xã với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách là 28,73 tỷ đồng, huy động 125,5 tỷ đồng đối ứng của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ về ứng dụng khoa học -công nghệ thông qua hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công. Các hỗ trợ này góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đã có gần 400 quy trình công nghệ được chuyển giao xây dựng được 150 mô hình sản xuất, trình diễn; đào tạo được trên 100 kỹ thuật viên và tập huấn cho gần 4.000 lượt người. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm, cấp phép cho hợp tác xã sử dụng các nhãn hiệu sản phẩm tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã được đăng ký bảo hộ, như: Chỉ dẫn địa lý “Cam Cao Phòng” 7 Nhãn hiệu tập thể: Mía Hòa Bình, Hạt dổi Lạc Sơn, Bưởi đỏ Tân Lạc, Nhãn Sơn Thủy- Kim Bôi. Ngoài ra, các đơn vị trong tỉnh đang tiếp tục tư vấn và hỗ trợ chủ thể ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, đăng ký tem truy suất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu.

Để mở rộng khả năng tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, năm 2015, tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Đến nay đã cho 45 lượt vay vốn của hợp tác xã với doanh số cho vay ước đạt 10,3 tỷ đồng. Quỹ áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi. Các dự án vay vốn tập trung chủ yếu vào phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Về cơ bản, các hợp tác xã sau khi vay vốn của Quỹ phát triển khá hiệu quả, đã tăng trưởng về quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh hợp tác xã vay vốn với dư nợ là 2,416 tỷ đồng. Song song với hoạt động của Quỹ, dư nợ tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể tăng hàng năm. Ước đến 31/12/2021, dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể đạt 25 tỷ đồng.

Đối với chính sách giao đất, cho thuê đất, tỉnh tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tích cực công tác dồn điền, đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo chỉ đạo của tỉnh. Một số địa phương đã khảo sát, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, quy hoạch và danh quỹ đất cho hợp tác xã. Có 44 hợp tác xã được giao đất, thuê đất để làm trị sở và sản xuất kinh doanh với 8,3 ha đất. Tỉnh tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đất đai, trình tự thủ tục xin thuê đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các đối tượng liên quan.

Ngoài các chính sách hỗ trợ trên, tỉnh còn có các chính sách hỗ trợ khác đối với hợp tác xã nông nghiệp, như: Hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; chính sách hỗ trợ chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho cán bộ hợp tác xã nông nghiệp; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã với doanh nghiệp.

Nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời, sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, đảng, chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể sẽ đảm bảo sự ổn định và từng bước có sự phát triển đi lên, nâng cao tốc độ tăng trưởng, đưa kinh tế tập thể có đóng góp ngày càng cao trong tỷ trọng nền kinh tế của tỉnh./.