Trong 5 năm từ 2017-2021 tổng số vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 947.599 triệu đồng. Nguồn kinh phí trên để triển khai thực hiện 5 dự án. Kết quả: Chương trình 30a đã thực hiện đầu tư xây dựng mới 51 công trình đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, ngầm nước kênh mương,… thực hiện duy tu bảo dưỡng các công trình được xây dựng. Tổ chức xây dựng được 65 mô hình với khoảng trên 2.000 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia. Thực hiện 15 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã, tổ chức 15 buổi tuyên truyền về xuất khẩu lao động tại các xã và tư vấn trực tiếp cho 56 lao động. Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho 26 lao động xuất cảnh đi lao động ở nước ngoài.
Dự án 2 - Chương trình 135 đã thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng 650 công trình; bao gồm các công trình giao thông, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học và hạng mục phụ trợ, công trình thủy lợi, công trình nước sinh hoạt, công trình điện và một số công trình khác. Thực hiện duy tu, bảo dưỡng 889 công trình sau đầu tư. Bên cạnh đó, hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, giống vật nuôi, máy móc thiết bị sản xuất nông, lâm nghiệp, hỗ trợ xây dựng dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho khoảng 33.929 hộ hưởng lợi; hỗ trợ nhân rộng khoảng 45 mô hình giảm nghèo cho 2.944 hộ tham gia. Triển khai tổ chức tập huấn cho 11 nghìn lượt người về nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 đã xây dựng được 17 mô hình, dự án tại các huyện với khoảng 700 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ yếu là các hộ dân tộc thiểu số tham gia, thực hiện mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn sinh sản, chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi cá lồng thương phẩm. Dự án đã góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2-3% tại các xã có dự án.
Bên cạnh đó, dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin, dự án Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình đã góp phần tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo, đào tạo giám sát cho hàng nghìn lượt người về công tác giảm nghèo tại các địa phương. Các chính sách giảm nghèo như: hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, khám chữa bệnh, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội…được triển khai đúng quy định và hiệu quả đã góp phần ổn định an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Nhìn chung, các cơ chế, chính sách được triển khai thực hiện kịp thời đồng bộ trên địa bàn tỉnh đảm bảo người dân được tiếp cận nhanh nhất với các chính sách hỗ trợ qua đó tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản cải thiện điều kiện sống. qua đó giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 24,38% xuống còn 8,6% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm được 3,16% đạt 105% chỉ tiêu kế hoạch giao (chỉ tiêu đề ra mỗi năm giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo), năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,24%. Các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao tỷ lệ giảm bình quân đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết.
Tuy nhiên, còn trên 80% số thôn, bản khó khăn nhất có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đảm bảo năng lực phục vụ sản xuất cho khoảng 80% diện tích trồng lúa nước chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Đến nay tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 65 xã. Năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH ngày 17/12/2019 về việc sát nhập đơn vị hành chính và các Quyết định bổ sung thôn ĐBKK số xã, thôn, bản ĐBKK, tỉnh Hòa Bình còn 74 xã và 24 thôn đặc biệt khó khăn. Đến hết năm 2020 có 12/74 xã hoàn thành Chương trình 135 tương đương 16,21%; có 7/24 thôn, bản đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn tương đương 29,2% đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Bình quân mỗi năm số lao động qua đào tạo nghề là 15.000 lao động; lao động nông thôn qua đào tạo nghề là 6.000 đạt 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết…..
Nhiệm vụ thời gian tới, tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5-3%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân mỗi năm giảm 2,5-3%; đối với xã đặc biệt khó khăn bình quân mỗi năm giảm từ 4-4,5%; Tăng tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế; 100% học sinh là con hộ nghèo đang học tại các cấp học phổ thông trong tỉnh được miễn, giảm học phí theo quy định; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh được vay vốn. Tiếp tục ưu tiên bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Xây dựng bổ sung thêm chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương nhằm hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào các dân tộc sinh sống tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân…./.