DetailController

Khoa học - Môi trường

Kết quả nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, giải pháp đối với sản phẩm cây mía trên địa bàn tỉnh

21/09/2022 00:00
Những năm qua, nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trên cơ sở phát huy những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội những sản phẩm đặc thù của tỉnh như cây cam, bưởi, mía... đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, tạo thu nhập ổn định. Trong đó, cây mía nổi lên là một trong những cây trồng chính, chủ lực.
Hiện nay sản phẩm mía được trồng chủ yếu tại các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy

Hiện nay diện tích trồng mía Tím khoảng trên 3 nghìn ha, gần 4 nghìn ha mía trắng ăn tươi và ép nước. Cây mía là một trong những cây trồng được chú trọng đầu tư phát triển, nó không chỉ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn được biết đến như là món ăn tinh thần của bà con địa phương, một sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, ngành khoa học và công nghệ tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất và thực thể hiện các đề tài, giải pháp nhằm phát triển bền vững vùng mía nguyên liệu ăn tươi, phục vụ chế biến. Bắt đầu từ nhãn hiệu tập thể, đến khâu chế biến, bảo tồn gen và nghiên cứu tạo giống từ cây nuôi cấy mô tế bào thực vật, cụ thể: Đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mía Tím Hòa Bình” cho sản phẩm Mía Tím của tỉnh Hòa Bình” do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống Nông nghiệp thực hiện năm 2011-2013. Ngày 03/4/2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 17676/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 203079 (loại hình Nhãn hiệu tập thể) cho Hội Sản xuất và Tiêu thụ Mía tím Hòa Bình. Việc xây dựng Nhãn hiệu Tập thể (NHTT) cho Mía tím Hòa Bình đã thúc đẩy sản xuất mía tím thành vùng hàng hóa. Từ đó, giúp đỡ nông dân tổ chức sản xuất và thương mại hóa sản phẩm theo hướng lấy chất lượng sản phẩm làm mục tiêu chính. Nông dân trên cương vị là những người sản xuất cần xây dựng mối quan hệ thị trường với các tác nhân khác trong ngành hàng (nhà chế biến, phân phối người tiêu dùng...) nhằm quảng bá chất lượng sản phẩm của mình.

Năm 2012-2013, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Hòa Bình thực hiện đề tài “Bảo tồn phục tráng và phát triển giống mía tím tỉnh Hòa Bình”, qua đó mô tả được đặc điểm nông sinh học và phục tráng được giống mía tím Hòa Bình có năng suất chất lượng tốt. Từ năm 2013-2014, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất nước mía giải khát từ cây mía tím tỉnh Hòa Bình”. Đề tài đã xây dựng quy trình công nghệ chế biến cây mía tím Hòa Bình thành một số dạng nước giải khát; nghiên cứu quá trình bảo quản sản phẩm; Xây dựng mô hình thiết bị trên dây chuyền sản xuất nước mía tươi; Nghiên cứu tạo ra được một số dạng sản phẩm nước mía phối trộn cam, chanh, bưởi, dưa hấu; Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm và thiết kế bao bì, nhãn mác cho sản phẩm; Nghiên cứu công nghệ sản xuất mía tiện ăn tươi đóng túi. Đã Sản xuất thử nghiệm 250 lít Nước mía giải khát nguyên chất, đáp ứng yêu cầu VSATTP của Bộ Y tế, thời gian lưu hành trên 6 tháng ở 4-6 độ C, trên 3 tháng ở nhiệt độ thường (25-30 độ C), phù hợp với thị hiếu của người dùng; 250 lít Nước mía giải khát có bổ sung; 200 kg mía tiện đóng túi đảm bảo ATTP theo yêu cầu của bộ Y tế, phù hợp với thị hiếu của người dùng…

Đặc biệt, năm 2014-2015, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện đề tài “Bảo tồn nguồn gen “Mía tím Hòa Bình”. Kết quả đề tài đã thực hiện tốt việc tư liệu hóa nguồn gen mía Tím Hòa Bình làm tư liệu lưu trữ và phát triển ứng dụng nguồn gen. Đã thực hiện thành công nghiên cứu công nghệ nhân giống mía tím Hòa Bình bằng phương pháp nuôi cây mô tế bào và thực hiện sản xuất cây giống Mía tím Hòa Bình bằng quy trình đã nghiên cứu để phục vụ xây dựng mô hình cung cấp giống đảm bảo năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh tốt cho Nhân dân tỉnh Hòa Bình. Ngày 19/5/2016, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 1329/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án thay thế giống mía Tím bằng phương pháp nuôi cấy mô tại tỉnh Hòa Bình, đến nay đã mang lại hiệu quả về kinh tế cho người nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Cứ 01 ha trồng mía Tím bằng giống nuôi cấy mô sẽ cho lợi nhuận cao hơn hẳn phương pháp trồng giống truyền thống là 50-70 triệu đồng. Qua việc thực hiện đề án đã cung cấp trên 380.000 cây mía giống cho các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy. Theo khảo sát, hiện toàn bộ mía tím của hai xã Mỹ Hòa huyện Tân Lạc và Nam Phong huyện Cao Phong đã được thay thế hoàn toàn bằng giống mía được sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật. Giá bán trung bình thương lái đặt hàng tại thời điểm hiện tại từ 9.000 đồng/cây trở lên.

Đối với giống mía trắng, Trung tâm Ứng dụng Thông tin Khoa học, Công nghệ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống mía trắng (mía ăn tươi, ép nước) bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật và đề xuất giải pháp thay thế giống mía trắng hiện có tại tỉnh Hòa Bình”. Hiện đã hoàn thiện quy trình nhân giống mía trắng (mía ăn tươi, mía ép nước) bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; cung ứng cho 2 xã Mỹ Hòa huyện Tân Lạc và Nam Phong huyện Cao Phong mỗi xã 22.000 cây giống.

Với những kết quả đó, thời gian tới tỉnh Hòa Bình cần thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư có tiềm lực để tiếp nhận công nghệ, tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời có chính sách hỗ trợ nguồn cây giống mía được nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật để thay thế toàn bộ diện tích mía kém chất lượng trong toàn tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích việc sử dụng giống mía được nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật tới người sản xuất…/.