Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 21/3/2023 để triển khai phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh. Phong trào thi đua đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Chỉ thị, Chương trình, Đề án, Kế hoạch của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh , nhằm đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tiếp tục tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia,... Tỉnh đã thành lập Ban Quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục và thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh như: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình), Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6; cải tạo nâng cấp đường tỉnh 436 đoạn Km0 - Km7; Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai Hà Nội (giai đoạn 1); Đường từ Quốc lộ 6 đến khu công nghiệp Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn.
Trong năm 2023, tỉnh Hòa Bình đã khởi công được 05 dự án trọng điểm, trong đó có 03 dự án đầu tư công và 02 dự án đầu tư ngoài ngân sách . Ban hành các Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quan tâm chỉ đạo cải tạo, đầu tư, nâng cấp và mở rộng hệ thống đê điều, các công trình thuỷ lợi nhằm đảm bảo khả năng chống lũ và phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh . Chỉ đạo lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tập trung cho các xã, cụm xã, các khu đông dân cư. Hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh ước đạt 34,8%, tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 95%.
Cùng với đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt việc huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia. Đến cuối năm 2024, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, gắn trách nhiệm của người đứng đầu để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhất là đường liên kết vùng, cao tốc đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu và các dự án khác như: Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1);... Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để khởi công Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19-Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình)...
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”
Phong trào thi đua tiếp tục được UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh; nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn được xây dựng, ban hành, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, các lực lượng xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả, đến nay toàn tỉnh có 80/129 xã, bằng 62,02% tổng số xã (trong đó có 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 28 xã nông thôn mới nâng cao, 75 khu dân cư kiểu mẫu và 258 vườn mẫu); số tiêu chí nông thôn mới trung bình trên một xã đạt 16,2 tiêu chí. Có 03 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn nông thôn mới ; toàn tỉnh có có 158 sản phẩm OCOP, trong đó 22 sản phẩm hạng 4 sao, 124 sản phẩm hạng 3 sao và 12 sản phẩm tiềm năng 4 sao.
Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Phong trào thi đua tiếp tục phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân thi đua thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; hưởng ứng phong trào thi đua “xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, với mục tiêu đồng hành vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực thi đua “Xây dựng mô hình sinh kế giảm nghèo và giảm nghèo bền vững”, “Tập trung hỗ trợ địa bàn nghèo, tăng cường giảm hộ nghèo và tăng hộ khá, giàu”. Các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội và an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời. Bên cạnh đó, phong trào thi đua đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu; đồng thuận hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động, ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát, quỹ vì người nghèo của tỉnh; tặng nhiều nhà tình nghĩa (Đại đoàn kết, Nhà Chữ thập đỏ) và các trang thiết bị, nhu yếu phẩm để hỗ trợ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đón Tết Nguyên đán - Giáp Thìn 2024. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) trên địa bàn toàn tỉnh giảm từ 12,29% xuống còn 9,2%, giảm 3,09%, đạt 123,6% kế hoạch .
Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”
Phong trào đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cơ quan, đơn vị; từng tập thể, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến đạo đức công vụ, nghề nghiệp, đặc biệt là thực hiện nghiêm Quy định số 14-QĐ/TU ngày 19/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, để xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện, góp phần nâng cao Chỉ số SIPAS của tỉnh, hướng tới xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh hết lòng phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hòa Bình. Kiên quyết xử lý nghiêm uống rượu bia buổi sáng, giờ hành chính, buổi trưa và trước khi điều khiển phương tiện giao thông; sử dụng giờ làm việc vào việc riêng; chơi gofl trong giờ hành chính; đánh bạc, cá độ; tâm lý sợ trách nhiệm, tránh va chạm, không chịu làm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không giải quyết công việc thuộc thẩm quyền.
Phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”
Thực hiện Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 09/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 23/01/2024 triển khai Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn tỉnh, gắn với việc tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Phong trào được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, tinh thần, thái độ học tập được nâng lên, chất lượng học tập được cải thiện, đối tượng học tập ngày càng mở rộng, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”
Phong trào thi đua đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tập trung mọi nguồn lực để xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến hết năm 2025, hoàn thành việc xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; tạo đà để tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII. Qua 4 tháng (từ 13/4/2024 đến 31/7/2024) sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025, tỉnh Hòa Bình đã nhận được 43 tỷ 100 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ; phân bổ cho các địa phương để triển khai, hoàn thành và bàn giao 490/3.194 tổng số nhà tạm trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025./.