DetailController

Thời sự trong ngày

Kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh

03/03/2022 00:00
Thực hiện chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng tín sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, tỉnh đã cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội và tạo điều kiện cho Ngân hàng chính sách xã hội mở rộng huy động nguồn lực cá nhân, tổ chức và xã hội cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Tính đến hết năm 2021, tổng nguồn vốn huy động đạt 3.634.609 triệu đồng, tăng trên 3.428.434 triệu đồng, gấp 16,6 lần so với khi mới thành lập năm 2003. Trong đó: Nguồn vốn cân đối Trung ương đạt trên 3.184.093 triệu đồng, chiếm 87,6% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động tại địa phương đạt trên 389.369 triệu đồng, chiếm 10,7%; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 61.147 triệu đồng, chiếm 1,68%; tăng 55.147 triệu đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW và đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 131%. Hiện nay, toàn tỉnh đang triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách; tổng dư nợ đạt 3.624.991 triệu, với 120.947 khách hàng còn dư nợ; tổng doanh thu cho vay đạt 10.520.682 triệu đồng, với gần 600 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách không ngừng được củng cố và nâng lên, đến hết năm 2021, tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh là 4.881 triệu đồng, chiếm 0,13% tổng dư nợ; 95,4% xã có chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xếp loại tốt, không có xã xếp loại trung bình, yếu; 99% Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo và duy trì việc làm cho gần 46 nghìn lao động; hơn 1,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 32 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng, cải tạo gần 179 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng, sửa chữa gần 21,5 nghìn công trình nhà ở cho hộ nghèo; 233 khách hàng được vay vốn để mua, thuê nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

          Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tập trung, tiếp tục đưa Chỉ thị 40/CT-TW đi vào cuộc sống, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó chú trọng đến việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH tạo lập nguồn mở rộng đối tượng chính sách, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.