Giáo dục phổ thông tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng. Chỉ đạo các trường có cấp tiểu học dạy học 2 buổi/ngày khi đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất tổ chức, tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày là 69.541/85.152, học sinh học 8 buổi/tuần trở lên đạt tỷ lệ 82% (tăng 2%), học 9-10 buổi/tuần là 36.059/86.417 đạt 42% (giảm 3%). 100% các trường PTDTNT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tiếp tục triển khai xây dựng phát triển chương trình môn học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; chỉ đạo các đơn vị, trường học tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học; đổi mới và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đánh giá và nhận xét đúng năng lực thực chất của học sinh. Chất lượng hai mặt giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì . Tiếp tục thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề phổ thông và công tác phân luồng học sinh theo Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 24/7/2019 của UBND tỉnh về “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục và kiểm tra đánh giá chuẩn quốc gia đối với các đơn vị, trường học. Kết thúc năm học, 100% các đơn vị, trường học trong toàn tỉnh đã thực hiện công tác tự đánh giá và sử dụng phần mềm hỗ trợ kiểm định chất lượng giáo dục. Tổng số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh là 305/516 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 59,11%, trong đó, giáo dục mầm non có 158/222 trường đạt 71,17% (30 trường đạt chuẩn mức độ 2); cấp tiểu học có 24/27 trường đạt 88,89% (07 trường đạt chuẩn mức độ 2); cấp THCS có 21/27 trường đạt 77,8% (02 trường đạt chuẩn mức độ 2), cấp phổ thông nhiều cấp học 93/204 đạt 45,59%; cấp THPT có 09/36 trường đạt 25%.
Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập của người lớn; quan tâm xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Năm học 2022-2023, huy động được 01 lớp xóa mù chữ với 35 học viên tham gia. Đến nay, độ tuổi 15 đến 60 biết chữ mức độ 1 là 598.978/599.987 người đạt tỷ lệ 99.83% (vượt 9,83% so với Nghị định 20); còn 1009 người mù chữ chiếm tỷ lệ 0,17%; độ tuổi 15 đến 60 biết chữ mức độ 2 là 593.344/599.987 người đạt tỷ lệ 98.89% (tăng 0,6% so với năm 2021, vượt 8,89% so với yêu cầu Nghị định 20) còn 6.643 người mù chữ chiếm tỷ lệ 1,11%.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX, mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục khởi nghiệp tại cơ sở GDNN-GDTX ; tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn; phối hợp với các phòng GD&ĐT và Hội Khuyến học tổ chức tư vấn hỗ trợ cho các Trung tâm HTCĐ; kiểm tra và tư vấn công tác ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại các Trung tâm GDNN-GDTX. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 215/KH-UBND ngày 19/11/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình về thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đến nay 4 mục tiêu xây dựng xã hội học tập của tỉnh Hòa Bình đều đạt và vượt kế hoạch năm, cơ bản đạt theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Sở GD&ĐT, Hội Khuyến học tỉnh, Hội Người cao tuổi về phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Năm học 2022-2023 có 25 tập thể và 357 cá nhân được biểu dương khen thưởng trong công tác xây dựng xã hội học tập. Giáo dục chuyên nghiệp được quan tâm. Năm học 2022-2023, trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình có 51 lớp với tổng số 1.785 HSSV. Công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm, hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được duy trì về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất đảm bảo tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số học trung học được học ở trường nội trú đạt trên 10%.