Hiện nay, toàn tỉnh có 151 điểm giao dịch xã đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cấp xã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả và năng lực hoạt động. Hàng tháng thực hiện giao dịch vào ngày cố định, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách nhanh chóng tiếp cận các chương trình ưu đãi của Chính phủ một cách thuận lợi, tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, thông qua việc giao dịch tại xã nhằm tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách, qua đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ kịp thời đến đúng với đối tượng để phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
Giai đoạn 2014 -2022, tỉnh Hòa Bình luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của NHCSXH Việt Nam. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố đã bố trí vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH bổ sung nguồn vốn, tạo nguồn lực để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn đạt trên 4.192,8 tỷ đồng, tăng 2.307 tỷ đồng so với 31/12/2014 (tăng 122%), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 15,2%; trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về: 3.732 tỷ đồng, tăng 1.915,8 tỷ đồng (tăng 105%) so với 31/12/2014. Nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân tại địa phương: 358,7 tỷ đồng, tăng 295,2 tỷ đồng (tăng 465%) so với 31/12/2014. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương: 101,2 tỷ đồng, tăng 96,1 tỷ đồng (tăng 1.602%) so với 31/12/2014, chiếm 2,4% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách NHCSXH đang thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh 40,2 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện 61,9 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH, một tổ chức tín dụng Nhà nước, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức thực hiện cho vay theo phương thức trực tiếp, có ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội, theo đó dư nợ cho vay hầu hết ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, hiện nay đang quản lý dư nợ trên 4.170 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ của NHCSXH trên địa bàn
Giai đoạn 2014-2022, tổng doanh số cho vay đạt 8.660 tỷ đồng; tổng doanh số thu nợ đạt 5.917 tỷ đồng. Đến 31/12/2022, tổng dư nợ đạt 4.187,5 tỷ đồng/18 chương trình tín dụng; tăng 2.324,3 tỷ đồng (tăng 125%) so với 31/12/2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 15,6% với 98.598 khách hàng còn dư nợ. Tổng nợ quá hạn, nợ khoanh là 3,87 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,09%/tổng dư nợ; trong đó nợ quá hạn 2,25 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,05%; nợ khoanh 1,61 tỷ đồng (0,05%).
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, giai đoạn 2014- 2022 đã giúp trên 310.940 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống; giúp cho 70.722 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 5.062 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 20.652 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; xây dựng 341.462 công trình nước sạch và vệ sinh tại vùng nông thôn; 4.975 căn nhà, căn hộ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; 228 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ 15 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vay vốn phục hồi sản xuất do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19./.