DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tháng 11

29/11/2022 00:00
Tháng 11 năm 2022, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn diễn ra nhưng quy mô nhỏ lẻ. Hàng hóa nhập lậu lưu thông chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng… thường được mua ở Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn đem về bán cho người tiêu dùng trong tỉnh hoặc các đối tượng vận chuyển các mặt hàng trên đi qua địa bàn tỉnh.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh

Hình thức thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến phát triển nhanh do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng... Phổ biến là các mặt hàng: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, giầy dép, đồ điện tử... được giao bán trên các trang mạng xã hội, thiết bị di động sau đó gửi theo đường bưu chính chuyển tới tay người tiêu dùng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh, kho cất giấu hàng hoá của các đối tượng để xử lý. Gian lận thương mại chủ yếu là hàng hóa không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định, thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Không niêm yết giá hàng hóa và kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng. Kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện; kinh doanh không đúng địa điểm.

Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm; thường xuyên trao đổi cung cấp tạo mạng lưới thông tin rộng rãi, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố và chính quyền các địa phương trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm; cử cán bộ tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành, qua đó đã góp phần giải quyết và xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực theo Quyết định. Phối hợp giữa các ngành chức năng trực tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật 24h/24h, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra vào địa bàn, tăng cường công tác phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn Châu Phi.

Kết quả, trong tháng 11, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 101 vụ (bằng 144,28% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế 6.637 triệu đồng. Trong đó tiền phạt vi phạm hành chính 2.094 triệu đồng; tiền thu phạt bổ sung và truy thu 4.543 triệu đồng. Kiểm dịch lợn 44.298 con (lợn giống là 35.143 con, lợn thương phẩm là 9.155 con); kiểm dịch gia cầm 3.078.523 con (gia cầm giống là 2.451.100 con, gia cầm thương phẩm là 627.423 con); kiểm dịch trứng giống 2.429.336 quả; kiểm dịch bò thương phẩm 61 con.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác dự báo, tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, chủ động đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường kịp thời ngăn chặn các hành vi vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu và gian lận thương mại, đặc biệt là tại các điểm tập kết lên xuống hàng hóa, bến xe và các tuyến quốc lộ. Giám sát chặt chẽ việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng. Chủ động nắm chắc tình hình diễn biến cung cầu hàng hóa để kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm và có giải pháp xử lý kịp thời./.