
Để triển khai đảm bảo các mục tiêu đã đề ra, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quan trọng để chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ CCHC của tỉnh; tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về công tác cải cách hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hòa Bình năm 2024 và đẩy mạnh cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh. Căn cứ nhiệm vụ được giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch tại đơn vị, địa phương mình để triển khai thực hiện.
Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Trong 6 tháng đầu năm, Sở Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh xem xét 35 đề nghị xây dựng văn bản QPPL của các sở, ban, ngành. Tổ chức thẩm định 1 đề nghị xây dựng Nghị quyết; 24 dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh; đóng góp ý kiến 22 dự thảo Luật, 28 dự thảo văn bản QPPL. HĐND và UBND tỉnh đã ban hành 30 văn bản QPPL. Sở Tư pháp đã tiếp nhận, tiến hành kiểm tra 22 văn bản do HĐND, UBND cấp huyện gửi đến. Qua kiểm tra cho thấy các văn bản được ban hành phù hợp thẩm quyền hình thức và thẩm quyền nội dung; 100% văn bản đảm bảo đúng quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở các Quyết định công bố TTHC của Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 62 Quyết định công bố 433 TTHC. Trong đó, công bố mới 70 TTHC; sửa đổi, bổ sung: 350 TTHC; bãi bỏ, hủy bỏ: 13 TTHC. 100% TTHC thuộc phạm vi quản lý của tỉnh đều được đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công tỉnh và công khai tại Bộ phận Tiếp nhận, Trả kết quả các cấp và Trang thông tin điện tử của ngành, địa phương. 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã tiếp nhận 73 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC, hành vi hành chính. Theo đánh giá của Cổng Dịch vụ công quốc gia, quý I/2024, tỉnh Hòa Bình đạt 78,74 điểm, xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố, quý II/2024 đạt 76,87 điểm, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố.
Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC được đẩy mạnh. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tiếp nhận 133.738 hồ sơ TTHC. Số hồ sơ đã giải quyết là 125.958 hồ sơ; số hồ sơ đang giải quyết là 7.780 hồ sơ. Tỷ lệ TTHC được giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 97,71%; cấp huyện đạt 98,37%; cấp xã đạt 99,84%.
Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt vị trí việc làm theo đúng quy định, đảm bảo thời hạn yêu cầu của Chính phủ, Bộ Nội vụ. Theo đó, Sở Nội vụ đã tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt vị trí việc làm đối với 100% cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, với tổng số 30 cơ quan, tổ chức hành chính và 626 đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ quan chức năng tường xuyên kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; việc thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Hiện nay, tỉnh Hoà Bình đã thực hiện tích hợp, cung cấp 1.310/1.863 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 70,31%. Qua đó đã góp phần quan trọng đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết TTHC. Việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được thực hiện thường xuyên, liên tục. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với tên miền https://dichvucong.hoabinh.gov.vn hiện đang cung cấp 1.863 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai tới 100% cơ quan hành chính Nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Cơ quan Nhà nước xử lý văn bản điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Kết quả ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã cấp được trên 6.700 chứng thư số, chữ ký số cho tổ chức và cá nhân. Trong đó, có hơn 1.000 thư số cho tổ chức và trên 5.600 chữ ký số cho cá nhân. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã sử dụng chữ ký số của tổ chức và cá nhân để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Cùng với đó, các đơn vị chủ động sử dụng các nguồn tài chính được giao tự chủ trong chi đầu tư và chi thường xuyên, bao gồm nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định, nguồn thu hợp pháp khác. Được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý nhưng tối đa không vượt quá mức chi do nhà nước quy định. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp trong giao dịch với bên ngoài. Đặc biệt là trong các hoạt động liên doanh, liên kết, hoạt động dịch vụ sự nghiệp công có điều kiện xã hội hóa cao, tạo thêm nguồn thu cho đơn vị, được huy động vốn, vay vốn, chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật./.