DetailController

Tin từ các đơn vị

Kết quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2022

22/12/2022 00:00
Năm 2022, tỉnh Hòa Bình có 231.593 trẻ em, chiếm 26,7 % dân số tỉnh. Trong đó có 2.876 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 1,24% dân số trẻ em ) và 54.385 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trong đó trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo 49.641 trẻ em). Thời gian qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa ban, ngành, đoàn thể và hưởng ứng tích cực của tổ chức, cá nhân trong tỉnh.
Diễn đàn trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em – Hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”

Công tác chăm sóc, giáo dục và Bảo vệ trẻ em luôn được các cấp Ủy đảng, chính quyền, các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được đảm bảo các quyền cơ bản, được chăm sóc, học tập và vui chơi giải trí lành mạnh, thân thiện. Công tác bảo vệ trẻ em được các cấp, các ngành, địa phương thực hiện ở cả 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp): Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp, chỉ đạo và thực hiện tổ chức các hoạt động truyền thông phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức tuyên truyền 09 lớp cho 900 cha mẹ, người chăm sóc trẻ về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ; tổ chức Hội nghị thực hiện các chỉ tiêu Bảo vệ trẻ em và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em cho trên 60 đại biểu các huyện, thành phố; In và cấp phát 52.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích “Đuối nước có thể lấy đi cuộc sống của chúng ta” và phòng ngừa xâm hại trẻ em năm 2022; tổ chức Diễn đàn trẻ em với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” cấp tỉnh năm 2022; triển khai và đánh giá kết quả thực hiện thí điểm “Bản cam kết bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại gia đình và cộng đồng”; tuyên truyền giới thiệu về Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111; phối hợp và thực hiện đăng tin, bài, phóng sự trển trang Web điện tử Sở, cơ quan Báo chí Trung ương và của tỉnh.

Hệ thống dịch vụ Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Ban bảo vệ trẻ em các cấp, các tổ chức liên ngành Bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, thực hiện giai đoạn 2021-2025. Hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời bám sát yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn. Các đơn vị liên quan thường xuyên phối hợp thực hiện trợ giúp xã hội cho trẻ em, đánh giá nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em các xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn để triển khai hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục – đào tạo, trợ giúp pháp lý và huy động các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em được đảm bảo thông qua các chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, chương trình tiêm chủng, khám, điều trị, tư vấn và hướng dẫn điều trị các bệnh ở trẻ em; 100% trẻ em trong độ tuổi được bổ sung Vitamin A theo đúng quy định; trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin theo quy định; thực hiện nâng cao năng lực thực hiện công tác y tế trường học; cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo. Phối hợp tuyên truyền, đăng ký khám sàng lọc và phẫu thuật tim miễn phí bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em do Chương trình ”Trái tim cho em” tổ chức, đã khám sàng lọc tim miễn phí cho hơn 600 trẻ em (phát hiện 38 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, có 26 trẻ em có chỉ định phẫu thuật/can thiệp và hỗ trợ); 100% trẻ em mầm non được đến trường. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bị tổn thương được bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ dưới nhiều hình thức như: Hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ về y tế, phục hồi tái hòa nhập cộng đồng và tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng như hưởng các phúc lợi xã hội khác.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục cho trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, nhà trường, bậc phụ huynh quan tâm tạo điều kiện cho trẻ đi học, vui chơi, giải trí. Thực hiện có hiệu quả, chủ trương xã hội hoá giáo dục, đa dạng hoá các loại hình trường học được phát động với nhiều phong trào như: “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, “Phổ cập giáo dục tiểu học, trung học đúng độ tuổi”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Trường học an toàn”... Ngoài ra, các hoạt động giáo dục, tư vấn, truyền thông trực tiếp cho cộng đồng, các hoạt động ngoại khóa về các kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ trẻ em được triển khai thường xuyên./.