DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Kết quả Chương trình hợp tác giữa trường Đại học Lâm nghiệp và tỉnh Hòa Bình

22/11/2022 00:00
Sau 3 năm triển khai Chương trình hợp tác giữa trường Đại học Lâm nghiệp và tỉnh Hòa Bình, đến nay, công tác phối hợp, thông tin 2 chiều đã được triển khai liên tục, đảm bảo kết nối chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ từ lý thuyết vào thực tiễn một cách thuận lợi và hiệu quả. Trường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh đã phê duyệt 4 đề tài do trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Các đề tài đã từng bước hoàn thiện nghiên cứu khoa học, cải tạo môi trường, nâng cao giá trị ngành lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Các đề tài do trường thực hiện tập trung vào lĩnh vực lâm nghiệp, chuyển giao khoa học công nghiệp, cải thiện môi trường.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được xác định là một nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Giai đoạn từ năm 2020-2022, tỉnh cử 5 cán bộ, công chức đi đào tạo trình độ thạc sĩ tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Đồng thời, tiếp nhận 6 sinh viên, học viên của Trường Đại học lâm nghiệp về thực tập tốt nghiệp tại Chi cục Kiểm lâm. Năm 2021, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hỗ trợ trường Đại học lâm nghiệp tuyển sinh 1 lớp đào tạo tập huấn với nội dung "Kỹ thuật trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC" cho 40 học viên là cán bộ khuyến nông các cấp và nông dân nòng cốt trên địa bàn tỉnh. Trường Đại học Lâm nghiệp đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho 375 sinh viên, học viên là con em của tỉnh.

Các đề tài do trường thực hiện tập trung vào các lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học, kỹ thuật. Cụ thể, Để tài 1 là “Đánh giá thực trạng rừng trồng sản xuất và đề xuất loài cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện lập địa, nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng và thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Hòa Bình” đã bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2020 và nghiệp thu tháng 12/2021. Sau 2 năm nghiên cứu, đơn vị đã điều tra về hiện trạng rừng và tình hình sử dụng gỗ rừng trồng. Trên cơ sở đó đánh giá hiện trạng rừng và tình hình sử dụng gỗ rừng trồng và lựa chon ra 130 ô tiêu chuẩn. Đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng của cây trên 120 ô tiêu chuẩn phục vụ công tác đánh giá sinh trưởng của các loài cây trồng rừng sản xuất trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của rừng trồng sản xuất và xây dựng bản đồ điều kiện lập địa thích hợp cho các loại cây trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh tỷ lệ 1/250.000.

Đê tài 2 là “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học nâng cao hiệu quả rừng sản xuất theo hướng phát triển rừng gỗ lớn tại tỉnh Hòa Bình”. Đề tài bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2020, kết thúc vào tháng 12/2022. Qua nghiên cứu đơn vị đã chọn được loài cây Keo cho thử nghiệm cải thiện rừng gỗ nhỏ hiện có theo hướng phát triển rừng gỗ lớn tại xã Lâm Sơn (Lương Sơn). Chọn được loài cây Gáo vàng cho trồng thử nghiệm loài mới theo hướng phát triển rừng gỗ lớn. Đánh giá được tình hình sinh trưởng cây cá thể và lâm phần rừng trồng Keo lai và thiết kế, bố trí thí nghiệm 20 công thức trên diện tích 0,52 ha tại huyện Lương Sơn. Hoàn thiện kỹ thuật nhân giống bằng kỹ thuật giâm hom cây bản địa, xây dựng mô hình 0,514 ha trồng thử nghiệm loài cây bản địa Gáo vàng tại huyện Lương Sơn với 300 cây hom và 800 cây hạt. Việc hoàn thiện các nội dung và công việc đã góp phần hoàn thiện nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao hiệu quả rừng sản xuất theo hướng phát triển rừng gỗ lớn.

Đề tài 3 là “Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Đề tài được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện bắt đầu từ năm 2022 và kết thúc vào năm 2024. Việc nghiên cứu thành công đề tài sẽ góp phần nâng cao giá trị ngành lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế- xã hội tỉnh.

Đề tài 4 là “Nghiên cứu đề xuất tập đoàn cây trồng tại các khu vực bãi rác ở tỉnh Hòa Bình, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao giá trị cảnh quan”. Đề tài được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện bắt đầu từ năm 2022 và kết thúc vào năm 2024. Đề tài đã đưa ra các mục tiêu cần đạt là đánh giá được hiện trạng môi trường đất, nước, không khí tại  khu vực bãi rác đã đóng cửa, đang hoạt động; lựa chọn được các loài cây phù hợp, có khả năng làm giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và cải tạo cảnh quan cho các khu vực bãi rác của tỉnh. Tiến tới xây dựng 2 mô hình trồng cây tại khu vực bãi rác đã đóng cửa, bãi rác đang hoạt động. Việc nghiên cứu thành công đề tài sẽ góp phần cải tạo môi trường đất, nước, không khí tại các bãi rác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, hạn chế phát tán mùi hôi, khí thải, cải tạo môi trường không khí xung quanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Mặc dù công tác phối hợp được triển khai thường xuyên, tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 và kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu còn thấp, nên một số nội dung trong Chương trình chưa được thực hiện đầy đủ. Khắc phục hạn chế trên, trong giai đoạn 2023-2023, tỉnh đẩy mạnh Chương trình hợp tác với trường Đại học Lâm nghiệp. Tiếp tục đầu tư, thu hút các nguồn lực cho nghiên cứu khoa học. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý về các vấn đề lý thuyết và thực tiễn thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn. Đồng thời đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và phản biện chính sách./.