Ngay từ đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo Du lịch đã tập trung và quyết liệt trong việc chỉ đạo triển khai: Kế hoạch 31/KH-BCĐDL ngày 17/02/2023 về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2023; Kế hoạch 24/KH-UBND ngày 14/02/2023 về tổ chức và tham gia các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh năm 2023; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 09/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc kích cầu du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2023; Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 07/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc triển khai Đề án “ Xây dựng các xã vùng cao Tân Lạc trở thành Khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Kế hoạch số 90/KHTCT ngày 26/5/2023 của Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 13 NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai Đề án “ Xây dựng các xã vùng cao Tân Lạc trở thành Khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” năm 2023; Kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 07/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về xúc tiến thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2023. Trong năm, Ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tổ chức thực tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực du lịch được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Lũy kế đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 739 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách còn hiệu lực hoạt động, bao gồm 36 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 703 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 254.541 tỷ đồng, trong đó có 165 dự án (bao gồm: 60 dự án đầu tư xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng, 04 dự án đầu tư xây dựng chợ và 101 dự án thương mại - dịch vụ khác).
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP du lịch nông thôn là 600 triệu đồng (tập trung vào chuẩn hóa điểm du lịch cộng đồng xóm Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu). Toàn tỉnh đã có 5/11 làng nghề có sản phẩm đạt chuẩn OCOP, gồm 3 sản phẩm của làng nghề dệt thổ cẩm và 2 sản phẩm của làng nghề nấu rượu… Các kết quả trên đã góp phần tạo nét đặc trưng riêng cho khu vực nông thôn của tỉnh và phát triển du lịch cộng đồng một cách thiết thực, hiệu quả, trở thành một loại tài nguyên du lịch có khả năng thu hút du khách.
Các địa phương khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch vùng ven hồ Hòa Bình: Tuyến đi bộ, đạp xe quanh hồ; trải nghiệm du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch tâm linh đã khôi phục và duy trì tốt các hoạt động tại các khu, điểm di tích, điểm thờ tự; lựa chọn ngành nghề truyền thống để bảo tồn và tạo ra các sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch và triển khai các sản phẩm du lịch trên sông Đà để kết nối tuyến du lịch đường bộ, đường thủy; checkin vườn hoa tại xóm Mừng, Cao Phong.
Triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã lựa chọn và xây dựng, công nhận 05 sản phẩm Ocop về du lịch, các sản phẩm hàng lưu niệm Ocop, xây dựng thương hiệu sản phẩm phục vụ khách du lịch. Lập hồ sơ xếp hạng các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh để tu bổ, tôn tạo thành các điểm tham quan du lịch; khôi phục các làng nghề để sản xuất sản phẩm quà tặng lưu niệm... phục vụ khách tham quan du lịch.
Kết quả năm 2023, tỉnh Hòa Bình đón 3.800.000 lượt khách tham quan du lịch (so với cùng kỳ năm trước tăng 21,5%, đạt 108,6% kế hoạch năm), trong đó: Khách quốc tế: 450.000 lượt (so với cùng kỳ năm trước tăng 227,2%, đạt 100% kế hoạch năm); Khách nội địa: 3.350.000 lượt (so với cùng kỳ năm trước tăng 12%, đạt 109,8% kế hoạch năm); Tổng thu từ khách du lịch: 4.000 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước tăng 10,7%, đạt 102,6% kế hoạch năm)./.