
Sáu tháng đầu năm 2023 doanh thu bình quân một Hợp tác xã đạt 1,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhận bình quân 143 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân người lao động trong HTX đạt 4,4 triệu đồng/người/tháng. Các tổ chức kinh tế tập thể thu hút 12,46 nghìn thành viên và 29,4 nghìn người lao động tham gia. Cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng trở lên đạt 36%, trình độ sơ cấp, trung cấp đạt 42%, chưa qua đào tạo 22%. Đánh giá xếp loại cuối năm 2022 có: 67% HTX khá, giỏi; 25,1% HTX Trung bình; 7,89% HTX yếu kém.
Thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới tại các địa phương trên cả nước, giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 12/01/2022 về việc phê duyệt các Hợp tác xã tham gia thực hiện Đề án; căn cứ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023, Liên minh Hợp tác xã tỉnh xây dựng các Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị của tỉnh Hòa Bình, đã lồng ghép các Hợp tác xã tham gia, bao gồm: HTX Chăn nuôi lợn đen Mường Pa (huyện Mai Châu): Tham gia Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lợn bản địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; HTX Ngọc Lương (huyện Yên Thủy): Tham gia Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bưởi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình HTX Chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng (huyện Lạc Sơn): Tham gia Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà thả vườn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; HTX Nông nghiệp Mỹ Tân (huyện Lương Sơn): Tham gia Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bưởi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình;
Bên cạnh đó, Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tích cực, chủ động tập trung tham mưu cơ chế chính sách và lồng ghép thực hiện Đề án vào các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp khác theo đúng quy hoạch sản xuất và kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ HTX; thực hiện hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng (năm 2022 đã thực hiện hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã chăn nuôi lợn đen Mường Pa, huyện Mai Châu); Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm: Hỗ trợ các Hợp tác xã nông nghiệp tham gia Đề án mang sản phẩm, hàng hóa tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Hưng Yên…
Nhìn chung, việc thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ đã bước đầu cho kết quả. Tỉnh Hòa Bình đã lựa chọn được 5 Hợp tác xã đảm bảo tiêu chí theo yêu cầu tại Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021. Có 4 mô hình nông nghiệp và 01 mô hình phi nông nghiệp; Hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng và cấp chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã chăn nuôi lợn đen Mường Pa, huyện Mai Châu.
Tuy nhiên, giai đoạn qua việc thực hiện chính sách triển khai chưa kịp thời, một số chính sách được thực hiện và tỷ lệ hợp tác xã được hỗ trợ không nhiều; còn thiếu vốn và một số nội dung chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện. Các hợp tác xã, cơ quan, đơn vị ở địa phương thiếu chủ động trong việc đề xuất, cử cán bộ, thành viên, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng về kinh tế tập thể và các chính sách hỗ trợ khác cho kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thiếu nhân lực chất lượng cao trong triển khai thực hiện. Đầu tư cho HTX còn nhỏ và năng lực yếu; quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa cao, sức cạnh tranh còn yếu. Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho Hợp tác xã còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của HTX. Đa số các HTX thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.
Thời gian tới, tiếp tục tuyên truyền tổ chức triển khai và tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhân thức về tầm quan trọng của hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất tạo thành chuỗi giá trị gia tăng thu nhập cho các thành viên hợp tác xã. Thực hiện lồng ghép các chương trình, nguồn vốn khác nhau để đảm bảo nguồn lực cho các HTX tham gia đề án./.