Những năm qua, tình hình nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 1.874 người nghiên ma túy có hồ sơ quản lý ở 139/210 xã, phường, thị trấn (tăng 182 người và 6 xã, phường, thị trấn), ngoài ra, số người đã phát hiện sử dụng ma túy nhưng chưa thiết lập được hồ sơ (nghi nghiện) là 337 người. Dự báo trong thời gian tới, tình hình người nghiện ma túy vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng, nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả, ước tính đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 2.500 - 2.700 người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy, đến năm 2030 có khoảng 3.700 - 4.000 người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy.
Công tác điều trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện với các hình thức, biện pháp như cai nghiện bắt buộc, cai nghiệp tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy; cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và tại gia đình; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tuy nhiên tỷ lệ số người nghiên ma túy được điều trị, cai nghiện hàng năm trên tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý còn thấp (khoảng trên 70%, trong khi chỉ tiêu của tỉnh đề ra là 90% vào năm 2020).
Về thực hiện chính sách cai nghiện tự nguyện, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1247/QĐ-UBND ngày 15/7/2015 về việc ban hành Quy định trách nhệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 1762/QĐ-UBND ngày 19/7/2018 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1247/QĐ-UBND, trong đó có quy định về các khoản đóng góp đối với người cai nghiện tự nguyện, song chưa có quy định về chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện. Năm 2017 có 110 lượt người nghiện ma túy trong tỉnh tham gia cai nghiện tự nguyện (bằng 7,4% tổng số người được điều trị, cai nghiện), nguyên nhân chủ yếu do điều kiện kinh tế gia đình người nghiện ma túy khó khăn, hoặc không có khả năng đóng góp kinh phí, hoặc không quan tâm mà phó mặc người nghiện cho xã hội.
Thực hiện mục tiêu Đề án đổi mới công tác cai nghiên ma túy ở tỉnh Hòa Bình từ nay đến năm 2020 là điều trị, cai nghiện cho 90% số người nghiên ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó giảm cai nghiện bắt buộc và tăng tỷ lệ người điều trị, cai nghiện tự nguyện thì việc quy định về chế độ hỗ trợ đối với người nghiên ma túy cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện là một yêu cầu cấp thiết góp phần khuyến khích, tăng số người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện trên địa bàn tỉnh. Từ đó phát huy tính chủ động, tích cực của bản thân người nghiện ma túy vào quá trình cai nghiện, từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh. Người đi cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ toàn bộ chi phí tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và 70% chi phí tiền ăn hàng tháng, tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân trong thời gian cai nghiện tại cơ sở. Người thuộc một trong các đối tượng (thương binh, người bị nhiễm chất độc hóa học và suy giảm khả năng lao dộng từ 81% trở lên, người thuộc hộ nghèo, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng) khi đi cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ toàn bộ chi phí tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần; chi phí tiền ăn hàng tháng, tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân; chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm ma túy theo chỉ định của bác sỹ; điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường trong thời gian cai nghiệm tự nguyện./.