
Thực hiện kế hoạch cải tạo vườn tạp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1493 ngày 9/6/2016 phê duyệt Đề án cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng đề án, kế hoạch cải tạo vườn tạp. Đến nay, các huyện Lương Sơn, Lạc Sơn, Kim Bôi đã phê duyệt đề án, các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Thủy, Đà Bắc, thành phố Hòa Bình đã lồng ghép nội dung cải tạo vườn tạp vào đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua công tác rà soát, xây dựng kế hoạch, các huyện, thành phố đã đề nghị cải tạo trên 1.900 ha vườn tạp với tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng. Do nguồn ngân sách tỉnh hạn hẹp, chưa bố trí nguồn kinh phí nên các huyện, thành phố đã chủ động thực hiện cải tạo vườn tạp bằng các nguồn vốn lồng ghép.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển sản xuất, các địa phương đã đề ra kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn. Bước đầu đã hình thành cánh đồng lớn như: Vùng sản xuất cam Cao Phong được chứng nhận VietGAP sản xuất tập trung với quy mô diện tích được chứng nhận năm 2016 là trên 149 ha, vùng sản xuất chè đen phục vụ xuất khẩu của công ty TNHH MTV Sông Bôi (Lạc Thủy), vùng sản xuất cây có múi thuộc HTX nông nghiệp thương mại Mường Động (Kim Bôi) diện tích 125 ha, vùng sản xuất nhãn an toàn thuộc HTX nông nghiệp Sơn Thủy (Kim Bôi) diện tích 34 ha. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã rà soát các khu sản xuất trồng trọt tập trung ứng dụng công nghệ cao (CNC), công nghệ sinh học (CNSH) tại các huyện, thành phố xác định 14 khu vực tại 7 huyện với tổng diện tích trên 289 ha. Quy mô các khu sản xuất đáp ứng quy định về diện tích tối thiểu của cánh đồng lớn của UBND tỉnh. Đây là bước tiền đề cần thiết để thu hút vốn đầu tư phát triển thành các khu sản xuất ứng dụng CNC, CNSH.
Phục vụ cho mục tiêu xây dựng cánh đồng lớn, hoạt động chuyển giao KH-KT, hỗ trợ, giới thiệu cây trồng có năng suất cao, phẩm chất tốt được quan tâm với sự liên kết của 4 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Trong thời gian qua đã triển khai các dự án nghiên cứu phục vụ phát triển nông nghiệp; thực hiện khảo nghiệm, sản xuất thử, mô hình trình diễn nhiều loại giống cây trồng để đánh giá độ thích nghi, phù hợp của giống cây trồng trên địa bàn tỉnh. Qua đó lựa chọn được các giống lua, ngô chịu hạn, chịu lạnh; trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu, cam Cara ruột đỏ, ổi ODL1..., chọn lựa giống cam CS1, cam canh, cam xã đoài, cam V2 cho thu hoạch rải vụ từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Hiện đã xác định được các cây đầu dòng của mỗi loại như bưởi đổ, bưởi da xanh, cam, quýt... nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng giống cây trồng. Cùng với việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao đã tạo lập, quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm quả lặc lày hữu cơ Lương Sơn, hạt dổi Lạc Sơn, su su Tân Lạc, nhãn Sơn Thủy - Kim Bôi, thực hiện phương pháp nuôi cấy mô cải tạo lại giống mía tím Hòa Bình đang bị thoái hóa, bảo tồn các nguồn gen cây trồng địa phương như quýt Nam Sơn, lúa nếp cẩm, tỏi tía Hòa Bình, mía tím Hòa Bình, ngô nếp Thung Khe...
Cùng với đó việc xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm trồng trọt được đẩy mạnh. Đồng thời, các HTX tăng cường hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm với nông dân, qua đó giúp cho tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng tăng khá mạnh, đạt trên 30%, nhất là với sản phẩm cây có múi. Nổi bật là hoạt động sản xuất, tiêu thụ cây có múi an toàn của HTX Mường Động (Kim Bôi); mô hình sản xuất, tiêu thụ cây có múi VietGAP Đác Tra (Cao Phong); hoạt động sản xuất, tiêu thụ liên nhóm rau hữu cơ Lương Sơn; mô hình sản xuất, tiêu thụ rau an toàn xã Lạc Long, thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy)... Hiện trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm trồng trọt an toàn tại các huyện Lương Sơn, Đà Bắc, Lạc Thủy và thành phố Hòa Bình, trong đó có 1 cửa hàng được Bộ NN&PTNT xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi của HTX nông sản hữu cơ Lương Sơn./.