Việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh đã có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành đoàn thể các cấp.
Hàng năm các cơ quan quản lý đã tích cực rà soát danh mục nghề, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo cho từng nghề; các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, thực hiện phương châm “chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”; gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Nhận thức của người dân về công tác đào tạo nghề, phát triển nhân lực nông thôn có sự chuyển biến tích cực, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để cho biết, chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, có năng suất thu nhập cao hơn. Các chương trình, nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức cấp xã được đổi mới, cập nhật, cơ bản đáp ứng được yêu cầu vị trí công việc được giao.
Sau 7 năm thực hiện, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo được 966 lớp dạy nghề theo các trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 29.180 lao động (đạt 46,3% mục tiêu Đề án đề ra). Theo khảo sát, sau đào tạo có 21.627 người có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn, đạt 74% đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, 3.828 người được doanh nghiệp tuyển dụng, chiếm 18% số người có việc làm sau học nghề (lao động được doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu là thuộc các nghề phi nông nghiệp tập trung các nghề như: may công nghiệp, hàn); 4.441 người được doanh nghiệp nhận tiêu bao sản phẩm, chiếm 21% số người có việc làm sau học nghề (số lao động này chủ yếu tham gia học các nghề tiêu thủ công nghiệp như: chổi chít, mây tre, giang đan xuất khẩu, thêu tay, thêu zen, thêu dệt thổ cẩm); 13.358 người tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên, chiếm 62% số người có việc làm sau học nghề (chủ yếu là học các nghề nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi…).
Cũng trong 7 năm, toàn tỉnh có 6.242 lượt CBCC cấp xã được bồi dưỡng kiến thức kỹ năng và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Tổng kinh phí bố trí cho các hoạt động của Đề án trong 07 năm là 143.318 triệu đồng, trong đó: nguồn kinh phí Trung ương (Đề án 1956): 105.649 triệu đồng; nguồn kinh phí ngân sách địa phương: 33.850 triệu đồng; lồng ghép các chương trình, dự án khác: 3.819 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án còn một số tồn tại, hạn chế đó là: chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra (số LĐNT học nghề đạt 57% kế hoạch). Một số nghề đào tạo chưa phù hợp với đặc điểm của vùng, miền, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch nông thôn mới. Một số người lao động sau khi học nghề vận dụng kiến thức đã học vào thực tế còn hạn chế, chưa duy trì được nghề lâu dài. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu; chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề và sử dụng lao động sau đào tạo. Công tác định hướng, phân luồng học sinh phổ thông chưa thực sự gắn với dạy nghề. Tiến độ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã chưa kịp thời; một bộ phận CBCC cấp xã chưa nhận thức rõ vai trò, sự cần thiết của việc học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong giai đoạn cuối của Đề án (2017-2020): đào tạo nghề cho 35.000 LĐNT, trong đó nghề nông nghiệp: 15.360 người, nghề phi nông nghiệp: 19.640 người; đào tạo, bồi dưỡng cho 3.500 lượt cán bộ công chức cấp xã, trong đó: bồi dưỡng kiến thức kỹ năng: 3.200 người; bồi dưỡng nâng cao: 300 người. Tỉnh ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho LĐNT; coi công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn xã hội. Thực hiện xây dựng và điều chỉnh kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó chú ý đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ cho phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh. Đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng gắn liền với nhu cầu của thực tiễn, chỉ tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập cho người lao động sau khi học nghề. Tập trung triển khai nhân rộng mô hình đào tạo nghề thí điểm đã đạt hiệu quả; đào tạo nghề phi nông nghiệp theo vị trí việc làm gắn với doanh nghiệp, làng nghề, làm việc trong các khu kinh tế, khu công nghiệp; đào tạo nghề nông nghiệp gắn với các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi, vùng chuyên canh....