DetailController

Khoa học - Môi trường

Kết quả 10 năm thực định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050

14/12/2018 00:00
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã quán triệt sâu sắc đến từng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, đồng thời cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, do đó đã đạt được những kết quả tích cực.

Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đầu tư các công trình nguồn điện, lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hoàn thành chương trình năng lượng nông thôn, miền núi. Hết năm 2017, số hộ được sử dụng lưới điện Quốc gia đạt 99,6%. Trong giai đoạn 2007 - 2017, trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 108,9 km đường dây 110kV; 05 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng 215 MVA; 744,76 km đường dây trung áp; 699 trạm biến áp 35kV, 22 kV với tổng dung lượng 331,662 kVA; 1.860,7 km đường dây hạ áp với tổng mức đầu tư 2.002 tỷ đồng. Cơ bản các công trình điện trung và hạ áp được triển khai xây dựng đúng tiến độ theo quy hoạch. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình cơ bản sử dụng các nguồn năng lượng hoá thạch như điện, than, xăng dầu và một phần năng lượng tái tạo. Sản lượng điện thương phẩm năm 2017 toàn tỉnh là 768,95 triệu kWh, trong đó sản lượng điện cho công nghiệp chiếm khoảng 46,78%, còn lại là điện phục vụ các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng và quản lý tiêu dùng dân cư ... Với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm khoảng 16,24%/năm.

Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả điện năng, khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế năng lượng truyền thống trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2007 - 2017, triển khai đầu tư xây dựng 12 dự án năng lượng tái tạo với tổng mức đầu tư 842,79 tỷ đồng; trong đó: 01 dự án Điện mặt trời không nối lưới có công suất 8.640 Wp với tổng mức đầu tư 2,65 tỷ đồng và 11 dự án thủy điện nhỏ có tổng công suất 41,45 MW với tổng mức đầu tư là 840,14 tỷ đồng. Đến nay dự án Điện mặt trời không nối lưới và 08/11 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện, còn lại 03/11 dự án thủy điện đang triển khai thi công xây dựng.

Trong nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi. Triển khai Dự án Năng lượng nông thôn II tỉnh Hòa Bình và Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Hòa Bình. Đến nay 100% số xã, phường đã có điện lưới Quốc gia, tỷ lệ số hộ sử dụng điện đạt 99,6%. Lưới điện quốc gia vươn tới khu vực nông thôn, miền núi đã làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Cùng với một số nguồn năng lượng khác như gas và khí sinh học biogas, điện là nguồn năng lượng chính được nhân dân khu vực nông thôn, miền núi sử dụng để đun nấu. Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về bảo vệ môi trường, như: Phê duyệt phương án trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp; phê duyệt danh sách, đối tượng, mức thu chi trả dịch vụ môi trường rừng; phê duyệt các đề án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại lưu vực nhà máy thủy điện Hòa Bình và đề án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại lưu vực nhà máy thủy điện Ba Thước II và nhà máy thủy điện Vạn Mai.

Nhằm tiếp tục phát triển nguồn, lưới điện đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; nghiên cứu, rà soát tiềm năng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo để tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp; trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025. Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi đã được Chính phủ phê duyệt đối với các dự án phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tạo môi trường thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực. Tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế đối với các dự án về năng lượng. Thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp để loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. Tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nghiên cứu ứng dụng sản xuất khí gas sinh học từ nguồn rác thải hữu cơ nông nghiệp và rác thải hữu cơ đô thị phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân.