DetailController

Khoa học - Môi trường

Kết quả 03 năm triển khai Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2023

21/11/2023 17:10
Nhận thực rõ tầm quan trọng và lợi ích của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 03 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các Sở, ban ngành của tỉnh tích cực, chủ động tuyên tuyền, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 2289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn về mục đích, vai trò của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực hiện đa dạng hoá các loại hình, cấp độ đào tạo, tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Đề án Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025”.
Khai trương Trung tâm điều hành thông minh thành phố Hòa Bình

Công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng và Nhà nước về Cuộc CMCN 4.0 đã được triển khai mạnh mẽ góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức các Sở, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn về mục đích, tác dụng của Cuộc CMCN 4.0, từng bước đưa công nghệ hiện đại, tiên tiến vào cuộc sống.

Các hoạt động về phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin đã được tăng cường để từng bước đáp ứng được các yêu cầu về tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; chú trọng tăng cường số lượng và chất lượng nguồn lực CNTT để triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan nhà nước và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 07 doanh nghiệp đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet, trong đó 02 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến là Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình gồm 01 HOST lắp đặt tại thành phố Hòa Bình với 25 tổng đài chuyển mạch cố định. Hạ tầng mạng thông tin di động có 04 doanh nghiệp các nhà mạng di động đã phủ sóng di động 2G/3G/4G đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Tỷ lệ phủ sóng di động theo khu dân cư đạt 95,8% . Tổng số thuê bao điện thoại duy trì trên toàn mạng trên 900 nghìn thuê bao; Thuê bao băng rộng cố định trên 120 nghìn thuê bao. Xây dựng mới nhiều tuyến cáp quang, nâng số cáp quang toàn tỉnh trên 9.000 km cáp.

Để đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số 100% các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đều đã bố trí cán bộ chuyên trách hoặc phụ trách về công nghệ thông tin. Trong đó, tỷ lệ cán bộ chuyên trách có trình độ cử nhân về công nghệ thông tin trở lên đạt 100% và tỷ lệ cán bộ, công chức được giao phụ trách về công nghệ thông tin đã được đào tạo về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị chuyên sâu về công nghệ thông tin đạt 80%.

Việc ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số trong các cơ quan đảng, nhà nước đã có tiến triển và đạt được một số kết quả khả quan so với kế hoạch đề ra. Tính đến nay, 100% các các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối Internet băng thông rộng; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 88%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại 183 điểm, trong đó, có 32 điểm tại các Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và 151 điểm tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Hòa Bình được đầu tư triển khai từ năm 2010 với 11 điểm cầu kết nối từ UBND tỉnh tới 10 huyện, thành phố phục vụ các cuộc họp của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh với các địa phương. Hệ thống phòng họp không giấy tờ của UBND tỉnh Hòa Bình đã được triển khai để tổ chức các cuộc họp UBND tỉnh từ quý III năm 2021, đảm bảo mục tiêu phục vụ tốt công tác triển khai cuộc họp nhanh chóng, tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu, giúp hiện đại hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 97%. 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã đã sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng. Đã cấp hơn 13.000 địa chỉ thư điện tử, trong đó 100% cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã được cấp địa chỉ thư điện tử phục vụ cho việc trao đổi thông tin, văn bản. Tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc tại các cơ quan đạt trên 50%. Cổng dịch vụ công tỉnh Hòa Bình với tên miền dichvucong.hoabinh.gov.vn hiện đang cung cấp 1.623 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (trong đó có 621 dịch vụ công mức 3 và 1.002 dịch vụ công mức 4) của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đồng thời liên thông dữ liệu với Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh…

 Phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đặc biệt được coi trọng. Trong đó, tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực được ứng dụng các mô hình thông minh là trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai các dự án về ứng dụng giải pháp số và công nghệ thông tin trong kế hoạch đầu tư công 2021-2025 như: Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng giải pháp lưu trữ tài liệu lịch sử của tỉnh Hòa Bình, tạo nên tảng phát triển Chính phủ số; Dự án Ứng dụng công nghệ đầu tư xây dựng hệ thống quản lý thông tin cảnh báo sớm trượt lở, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét theo thời goan thực tại tỉnh Hòa Bình. Xây dựng, triển khai sử dụng các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cụ thể có: Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu sâu bệnh hại trên cây trồng; Phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0; Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên đất nông nghiệp; Hệ thống truy xuất nguồn gốc xác thực chống giả và kết nối cung cầu tỉnh Hòa Bình; Phần mềm về kiểm dịch động vật và cơ sở dữ liệu liên quan cho hệ thống quản lý chuyên ngành; cập nhật và số hóa 100% cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Phần mềm cập nhật diễn biến rừng; Phần mềm dự báo cháy rừng; Phần mềm Mapinfor trong theo dõi diến biến tài nguyên rừng; Hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi, giám sát và đánh giá Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh còn ít và hạn chế; tình hình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới được hình thành nên chưa đồng bộ và hiệu quả; quy mô sản xuất trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp… tại địa phương còn nhỏ, mạnh mún, phân tán trong khi đó chi phí đầu tư ban đầu cho việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất thường áp dụng trên quy mô lớn, có chi phí cao hơn so với sản xuất thông thường.  Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và mạnh, dịch bệnh diễn biến phức tạp tác động đến công tác phân tích, dự báo để đạt độ chính xác cao; thiếu nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ cao do hạn chế về biên chế tổ chức nhân sự....

Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, tăng cường công tác tuyên truyền; hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, phát triển các nền tảng số, phát triển kinh tế số…/.