Giai đoạn 2021-2023, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 5 nội dung: Phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo; xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh; xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa xanh - sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. 7 Phong trào cụ thể: Phong trào xây dựng “Người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến”; “Gia đình văn hóa”; “Làng, bản, tổ dân phố văn hóa”; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Học tập, lao động sáng tạo”.
Phong trào đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở chú trọng, đẩy mạnh và phối hợp thực hiện có hiệu quả, vận động Nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực như: Vận động Nhân dân tự nguyện hiến đất để làm đường, xây dựng công trình công cộng, xây dựng nông thôn mới,hỗ trợ học nghề, đào tạo việc làm cho lao động nông thôn; vận động nhân dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; hỗ trợ liên kết giữa các hợp tác xã và hộ nông dân với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh và hiệu quả; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; phát huy thế 4 mạnh sản phẩm chủ lực của địa phương; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để không ngừng nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời thông qua các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…đã có nhiều hình thức giúp nhau xóa đói giảm nghèo có hiệu quả. Các mô hình, phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, nhiều hội viên Hội Nông dân trong toàn tỉnh đã giúp đỡ nhau về vốn được hơn 699 triệu đồng tiền mặt; 15.900 kg gạo; 55.379 ngày công, 8.871 con giống lợn, gà, vịt; trên 8.000 cây giống các loại; nhiều hội viên Hội Phụ nữ huyện đã tích cực phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, có thu nhập cao.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ngày càng được nâng cao. Đối với việc cưới: Từ năm 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh có 12.878 đám cưới, hầu hết các đám cưới được diễn ra lành mạnh, tiết kiệm, đúng với quy ước, hương ước, thuần phong mỹ tục của từng dân tộc; đối với việc tang, hầu hết các đám tang đều được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương và gia đình, hàng xóm láng giềng, cộng đồng dân cư quan tâm tổ chức chu đáo, có Ban Lễ tang giúp các gia đình lo việc tổ chức tang lễ khi có người thân qua đời, phát huy được truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đối với lễ hội: Hằng năm Lễ hội và Hội xuân trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức vào dịp tết Nguyên đán, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 63 lễ hội dân gian, 1 lễ hội lịch sử Cách mạng, 4 lễ hội khác. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước thường xuyên được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện triển khai, thực hiện với khẩu hiệu “Sống và làm việc theo pháp luật”; công tác vận động nhân dân tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" đã góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Bên cạnh đó, 100% các cơ quan, đơn vị đều đưa nội dung ứng xử văn hóa trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, 100% các đơn vị trường học đều xây dựng môi trường học tập xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện, học sinh tích cực, 100% các thôn, tổ phố đều có quy định cụ thể trong bản quy ước, hương ước về trách nhiệm của mỗi gia đình, công dân đối với việc xây dựng môi trường văn hóa cũng như việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống thiết chế văn hóa,thể thao được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng; Thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân, góp phần đáp ứng như cầu sinh hoạt, giao lưu, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, tạo diện mạo mới ở cho đô thị, vùng nông thôn và các khu dân cư, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ tỉnh đến cơ sở.
Trong 3 năm qua, Phong trào “Người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến” luôn được các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương và toàn thể cán bộ nhân dân quan tâm, hưởng ứng. Phong trào có nhiều đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... Thông qua Phong trào, đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến tiêu biểu được các cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng trong các phong trào điển hình như: Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo tiêu biểu: Mô hình Hỗ trợ phát triển rừng nâng cao thu nhập cho hộ nghèo (xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn) với mô hình trồng 6.000 cây keo tai tượng được trồng trên diện tích 2ha, mật độ trung bình 3.000 cây/ha cho 01 hộ gia đình chính sách tại xóm Đồi Cả; Mô hình Hợp tác xã cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp của bà Quách Thị Dung (xóm Bui, xã Nhân nghĩa, huyện Lạc Sơn) tạo việc làm ổn định cho 155 lao động, thu nhập bình quân 60.000.000đ/người/năm.,…
Cùng với đó, giai đoạn 2021-2023, trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, nhiều mô hình gia đình điển hình tiêu biểu được cơ sở suy tôn và noi gương. Kết quả thực hiện danh hiệu “Gia đình văn hóa”: Danh hiệu “Gia đình văn hóa”: Năm 2021 có 187.510/216.927 đạt tỷ lệ 86.4%; năm 2022 có 191.154/217.356 đạt tỷ lệ 87.9%; năm 2023 ước đạt 8.1%. Danh hiệu “Gia đình văn hóa” 3 năm liên tục tặng Giấy khen trong toàn tỉnh: Năm 2021 có 27.432 hộ; năm 2022 có 22.254; năm 2023 ước 20.300 hộ. Kết quả thực hiện danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”: Năm 2021 có 1.386/1.482 đạt tỷ lệ 92.3%; năm 2022 có 1.409/1.482 đạt tỷ lệ 95.1%; năm 2023 ước đạt 8.0%.
Có thể nói, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, các chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa người với người cũng như trong các quan hệ xã hội khác, làm cho cuộc sống của mỗi xóm làng, bản, khu dân cư, mỗi gia đình thực sự có tình có nghĩa, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái và đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ./.