DetailController

CNTT và Viễn Thông

Kết quả 02 năm triển khai thực hiện Luật Báo chí trên địa bàn tỉnh

21/12/2018 00:00
Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã tích cực tham gia vào công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bám sát các sự kiện chính trị của tỉnh với nhiều nội dung quan trọng; tuyên truyền về chuyến thăm và làm việc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại tỉnh Hòa Bình. Cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh quan tâm nhiều hơn đến hoạt động báo chí, tạo điều kiện để báo chí hoạt động. Các cơ quan chủ quản báo chí đã thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích và quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan báo chí hoạt động.

Trong đó các vấn đề nổi bật đã được tập trung thông tin, phản ánh gồm có: Đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vào cuộc sống; đặc biệt chú trọng tuyên truyền Nghị quyết TW 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; quán triệt triển khai kết luận Nghị quyết TW 5 khóa XI gắn với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuyên truyền triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020…

Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm 2017, công tác QLNN về Báo chí trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các nội dung của Luật Báo chí số 103/2016/QH13 ngày 05/4/2016, Thực hiện Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/2/2017 của Chính phủ, ngày 25/10/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/2017/QĐ-UBND ban hành quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hòa Bình, yêu cầu triển khai thống nhất thực hiện các nội dung quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hòa Bình. Đồng thời tổ chức Hội nghị Tập huấn về quy định phát ngôn các cơ quan hành chính nhà nước và công tác thông tin đối ngoại năm 2017 để hướng dẫn những nội dung cơ bản của Quy định.

Để đảm bảo hoạt động phát triển báo chí tỉnh Hòa Bình phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh đảm bảo thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực của cả nước, UBND tỉnh đã chỉ dạo thực hiện sắp xếp lại các cơ quan báo chí trên cơ sở xác định rõ điều kiện hoạt động, tôn chỉ, mục đích, đối tượng nhằm nâng cao chất lượng, thực sự có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã hội. UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và truyền thông nhiệm vụ thực hiện trình Đề án Quy hoạch Báo chí, xuất bản tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Ngày 04/6/2018, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 1324/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch Báo chí, xuất bản tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Phân định rõ báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu với báo chí phục vụ nhu cầu giải trí thương mại để có lộ trình giảm dần cấp ngân sách cho hoạt động của báo chí…

Từ năm 2017 đến tháng 8 năm 2018, tại tỉnh Hòa Bình có 02 cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh là Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (gồm 03 phóng viên) và Báo Nhân dân thường trú tại tỉnh (01 phóng viên). Hai cơ quan này đã tích cực tuyên truyền các sự kiện chính trị của tỉnh, thông tin về kết quả phát triển KT-XH của tỉnh và tích cực quảng bá hình ảnh tỉnh Hòa Bình đến bạn bè trong và ngoài nước; thu hút đầu tư, du lịch; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương quy định.

Trong 02 năm, đã hướng dẫn và thực hiện cấp 32 Giấy phép Xuất bản Bản tin cho các sở, ngành theo quy định; 11 Giấy phép họp báo cho các cơ quan, đơn vị của tỉnh; hướng dẫn và cấp 17 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho các cơ quan, đơn vị. Việc lưu chiểu báo chí, nộp ấn phẩm báo chí cũng được thực hiện nghiêm túc theo quy định, các cơ quan báo chí in tại tỉnh nộp hai bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương (Sở Thông tin và truyền thông). UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản theo Luật Báo chí số 103/2016/QH13 ngày 05/4/2016 đảm bảo hoạt động báo chí đúng tôn chỉ, mục đích; tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tuyên truyền phục vụ phát triển KT-XH của địa phương. Ngoài ra, UBND tỉnh đã thông báo cho các cơ quan báo chí của tỉnh rà soát việc thực hiện hiệp y với cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí theo quy định trong thành phần hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lãnh đạo tại đơn vị mình và cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản về lãnh đạo đương nhiệm của đơn vị mình do Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Qua 02 năm triển khai Luật Báo chí, việc thực hiện đã cho thấy những khó khăn, hạn chế: một số sở, ngành, UBND các huyện chưa thực sự quan tâm đến công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, còn ngại va chạm; một số phóng viên cơ quan báo chí Trung ương khi tác nghiệp thiếu hiểu biết, gây khó khăn cho công tác QLNN về hoạt động báo chí tại địa phương; một số văn bản thay thế còn nhiều điểm bất cập…

Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, yêu cầu tất yếu khách quan là cơ quan QLNN cần có chế tài xử ly việc khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, không kiểm chứng để đăng tải, bình luận trên báo chí và gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín báo chí và các địa phương. Các cơ quan báo chí cần thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, phản ánh các nhiệm vụ chính trị của đất nước, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh các thông tin sai lệch, xem xét xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần triển khai hiệu quả các nội dung của Luật Báo chí 103/2016/QH13.../.