DetailController

Tin từ các đơn vị

Kết quả 02 năm thực hiện tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới

08/01/2021 00:00
Ngày 7/11/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới, các cấp ủy, chính quyền, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đã phát huy hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo.

Các cấp, các ngành đã tăng cường công tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ nhân các ngày lễ, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong thời gian diễn ra các lễ hội. Duy trì các lớp truyền dạy các lớp dân ca, dân vũ, diễn xướng cho con em các dân tộc, cán bộ văn hoá cơ sở góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 1.482 đội văn nghệ quần chúng, nhiều câu lạc bộ văn hóa hoạt động tại cơ sở thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Qua các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng đã góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Vận động Nhân dân tích cực thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. Đến cuối năm 2020, đạt 57 xã về đích nông thôn mới, chiếm 43,5% tổng số xã; số tiêu chí nông thôn mới trung bình trên một xã đạt 15,31 tiêu chí, đạt kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 47 khu dân cư kiểu mẫu; 151 vườn mẫu được công nhận.

Ban Cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bám sát nhiệm vụ công tác dân tộc, đặc biệt là tập trung các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn các xóm, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh qua 2 năm là 3.965.626 triệu đồng (trong đó 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là 1.522.685 triệu đồng), thực hiện phân bổ vốn ưu tiên các công trình, dự án trọng yếu, phát huy hiệu quả đầu tư phục vụ đời sống của đồng bào vùng dân tộc. Việc huy động nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân được thực hiện có hiệu quả. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học, trạm y tế xã được đầu tư và sử dụng hiệu quả. Các chương trình xúc tiến thu hút đầu tư được tăng cường, đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; năm 2020 toàn tỉnh có 51 dự án được quyết định đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 56.000 tỷ đồng.

 Công tác phát triển du lịch thành sản phẩm đặc trưng, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”; tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch 02 xã Hang Kia - Pà Cò tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình năm 2019. Nhân rộng mô hình về phát huy bản bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong việc phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình,…..... thu hút được nhiều khách nước ngoài, khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan trải nghiệm.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện, nổi bật như việc thực hiện Đề án 03-ĐA/TU, ngày 14/01/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về củng cố nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 02 xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được nâng lên. Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được thực hiện đúng quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ là người dân tộc thiểu số tăng lên cả về số lượng và chất lượng; tham gia ở vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và huyện là 1.341/3.475 người, chiếm 38,58%; cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh 41/61 đại biểu, cấp huyện 291/383 đại biểu, cấp xã 4378/5230 đại biểu; cán bộ là người dân tộc thiểu số diện Ban Thường vụ quản lý có 163/322 đồng chí chiếm 50,62%. Cán bộ người dân tộc thiểu số được bổ nhiệm, điều chuyển, giới thiệu ứng cử giữ các chức vụ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 51/62 đồng chí chiếm 82,25%. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số các cấp được đào tạo, bố trí, sử dụng hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề cho người dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng. Các chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh được đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được mở rộng về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất. Các huyện có nhiều đồng bào dân tộc đã có hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số được học tập có chất lượng. Mạng lưới trường, lớp các cấp học, bậc học được củng cố, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 532 trường học. 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có trường lớp từ mầm non đến THCS.  Các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã có hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT, tạo điều kiện cho con em các dân tộc có môi trường học tập tốt.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn là người dân tộc tiếp tục được quan tâm, gắn việc rà soát, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề cho người lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề, tham gia học nghề và giải quyết việc làm sau học nghề. Tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn khoảng 60%, tỷ lệ lao động thất nghiệp của lao động ở khu vực thành thị còn dưới 3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53,3%, số lao động học xong có việc làm đạt 80%. Tỉnh đã mở 12 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 360 lao động nông thôn, thực hiện in 4200 cuốn số tay hỏi đáp chính sách pháp luật dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lắp đặt 04 cụm Pano tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại các huyện: Cao Phong, Mai Châu, Yên thủy, Tân Lạc. Tổ chức 09 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân tộc, nâng cao năng lực cộng đồng về tuyên truyền phòng chống ma tuý cho đồng bào dân tộc; Bồi dưỡng kiến thức dân tộc, chữ dân tộc Mường cho các nhóm đối tượng. Thực hiện đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh

Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Chỉ đạo các cấp, các ngành, các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động đồng bào nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng chống “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống buôn bán người, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự.

Kết quả trong 02 năm qua, tình hình kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh từng bước ổn định và phát triển; việc đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm và đã phát huy hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, các chính sách dân tộc đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh có cơ hội vươn lên phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo (giảm 2,8%, từ 11,36% năm 2019 xuống còn 8,56% vào năm 2020), cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm xây dựng và củng cố, hoạt động có hiệu quả. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.