Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia, báo cáo và kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo:
1. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương nỗ lực phòng, chống dịch của các bộ, ngành, địa phương, nhất là đội ngũ y tế, lực lượng quân đội, công an ở tất cả các tuyến, Ban chỉ đạo quốc gia, đại sứ Việt Nam tại các nước (đặc biệt là đại sứ tại Trung Quốc, Hàn Quốc). Kết quả phòng, chống dịch đến hôm nay là đáng mừng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và tăng thêm niềm tin trong nhân dân.
2. Chính phủ kiên trì chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhưng ưu tiên hàng đầu là kiên quyết phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, kể cả phải chấp nhận tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Đây là yêu cầu cao nhất của Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đòi hỏi các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm.
3. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đúng phương châm phòng, chống dịch là khẩn trương, kiên quyết, bình tĩnh, đúng mức, không chủ quan, không chần chừ, chủ động phát hiện và ngăn chặn triệt để, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan; thực hiện đầy đủ tinh thần Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 36 là gắn kết và chủ động thích ứng. Các cơ quan chức năng phải phát huy mạnh mẽ vai trò của mình đồng thời dựa vào nhân dân, cộng đồng trong phòng, chống dịch.
4. Trước diễn biến mới phức tạp của dịch bệnh tại nhiều nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:
a) Kiên quyết thực hiện việc cách ly theo quy định đối với người đến từ vùng dịch. Đối với các trường hợp đặc biệt (thực hiện công vụ, ngoại giao, chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao...) được nhập cảnh nhưng phải qua kiểm tra và áp dụng các biện pháp phù hợp bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu phòng, chống dịch.
- Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện nghiêm giải pháp cách ly tập trung đối với người đến từ vùng dịch vào Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia; tiếp tục bố trí thêm các cơ sở để bảo đảm tiếp nhận và thực hiện cách ly người về từ vùng dịch trong thời gian tới đây; lưu ý điều tiết để không tập trung cách ly tại một số địa phương; phòng tránh lây nhiễm chéo tại các khu vực cách ly tập trung; tổ chức tiếp nhận, bảo đảm điều kiện sinh hoạt của người thuộc diện cách ly với tinh thần chu đáo, văn minh, quan tâm hơn đối với người nước ngoài.
- Bộ Y tế chỉ đạo việc bảo đảm trang bị, vật tư y tế cần thiết, vệ sinh công cộng cho cơ sở và lực lượng phòng chống dịch, đặc biệt là đối với các cơ sở cách ly tập trung; chỉ đạo việc sàng lọc người bị cách ly tập trung, các trường hợp không có biểu hiện bệnh và không đến từ hoặc đi qua vùng dịch thì chuyển về địa phương để theo dõi, giám sát theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm chặt chẽ.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có phương án huy động một số cơ sở khách sạn, cơ sở lưu trú cụ thể làm cơ sở cách ly (khi đã hết các cơ sở cách ly do quân đội bố trí).
- Ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, vật tư cho các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn; giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cộng đồng.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhất là tại các tỉnh, thành phố có sân bay khẩn trương chuẩn bị các cơ sở cách ly (ngoài các cơ sở do quân đội đã bố trí);
b) Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an và các Bộ, ngành có liên quan cần hoàn thiện và chi tiết hóa kế hoạch điều chuyển nhân lực y tế và các nguồn lực khác bảo đảm hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các nơi trong tình huống dịch xảy ra; tiếp tục diễn tập khả năng phản ứng nhanh, tập trung phối hợp liên ngành, liên địa phương trong phòng chống dịch; phải có kế hoạch dự phòng về địa điểm, cơ sở cách ly, chỗ ở, nhu yếu phẩm cho người được cách ly khi triển khai cách ly trên diện rộng.
Các đô thị lớn, đông dân cư, đặc biệt là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch cách ly trên diện rộng.
c) Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Ngoại giao, các cơ quan báo chí tiếp tục làm tốt công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, về Việt Nam là điểm đến an toàn, có môi trường tốt cả trước mắt và lâu dài. Thông tin đến nhân dân, đến cộng đồng quốc tế phải minh bạch chính xác, công khai, kịp thời; phải hướng dẫn đầy đủ cho nhân dân về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
d) Bộ Ngoại giao đề xuất thực hiện chế độ visa phù hợp với tinh thần hạn chế tối đa người từ vùng dịch đến Việt Nam, thông báo trước với các nước liên quan.
Tạm dừng hiệu lực Giấy miễn thị thực cấp theo quy định tại Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ đối với người gốc Việt và thân nhân đang cư trú ở Hàn Quốc và Italia. Các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng cùng các cơ quan liên quan triển khai cụ thể việc thực hiện, đảm bảo thời gian dự lệnh 3 ngày để kịp thời thông báo cho những người bị ảnh hưởng.
Ban Chỉ đạo phòng quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo các thành viên tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để kịp thời đề xuất việc tiếp tục áp dụng biện pháp nêu trên cũng như việc điều chỉnh chính sách visa phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại các nước và vùng lãnh thổ khác.
Đại sứ quán Việt Nam tại các nước khuyến cáo người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài (ở khu vực có dịch ở nước sở tại) hạn chế nhập cảnh Việt Nam trong thời gian có dịch, tuân thủ hướng dẫn về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của nước sở tại, không đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng nước sở tại đã khuyến cáo. Trường hợp thật sự cần thiết phải nhập cảnh Việt Nam, phải được cách ly theo qui định."
đ) Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành hàng không hạn chế các chuyến bay giữa Việt Nam và các nước, vùng có dịch.
5. Về kinh phí, phương tiện,vật tư phục vụ phòng, chống dịch:
a) Các bộ, ngành, địa phương sử dụng kinh phí phòng, chống dịch bảo đảm chặt chẽ, đúng mức, kịp thời và hiệu quả. Việc mua sắm phải bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ
b) Đồng ý thành lập Tổ công tác do Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định giá, phương thức mua khẩu trang, vật tư y tế, bảo đảm chặt chẽ.
Bộ Y tế tính toán chặt chẽ, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản về việc mua máy thở với số lượng phù hợp trong ngày 06 tháng 3 năm 2020; rà soát lại mức kinh phí bổ sung để mua trang thiết bị dự phòng.
c) Đồng ý Bộ Y tế mua thêm 20 triệu chiếc khẩu trang dự trữ (cộng với 10 triệu ban đầu là 30 triệu chiếc) và một số khẩu trang N95, bộ trang phục chống dịch, bộ chống dịch Tyvek.
d) Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất khẩu trang phục vụ phòng, chống dịch và xuất khẩu, lưu ý bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước và có biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
đ) Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nghiên cứu việc thành lập Quỹ vận động nhân dân phòng, chống dịch.
6. Ban chỉ đạo, các Thành viên Ban chỉ đạo, các địa phương phải chủ động quyết định công việc theo thẩm quyền; chủ động phối hợp trong xử lý các vấn đề cấp bách, liên quan; chỉ xin ý kiến những vấn đề vượt quá thẩm quyền theo quy định.
7. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân tiếp tục ủng hộ, chủ động và chung tay cùng các cơ quan chức năng tự thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.
Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, bản phải đề cao trách nhiệm trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình sức khỏe nhân dân, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm và kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn./.