DetailController

Chỉ đạo điều hành

Kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quách Tất Liêm tại hội nghị nghe báo báo về tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 10 tháng 6 năm 2024

20/06/2024 16:56
Ngày 20/6/2024, Văn phòng UBND tỉnh ban hành Thông báo số 5475/TB-VPUBND về kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quách Tất Liêm tại hội nghị nghe báo báo về tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 10 tháng 6 năm 2024.

Ngày 13/6/2024, tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quách Tất Liêm đã chủ trì hội nghị để nghe báo cáo về tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 10 tháng 6 năm 2024. Theo đó, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết luận như sau:

Tính đến ngày 10 tháng 6 năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hòa Bình là một trong các tỉnh đạt thấp nhất của của nước, số kế hoạch vốn đã giải ngân là 625,4 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ và đạt 17% Ủy ban nhân dân tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Có 12 đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh; trong đó,  có 10 đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 10%). Vốn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 19,1 tỷ đồng, đạt 3%. Nguyên nhân đạt thấp có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do một số chủ đầu tư còn thiếu sát sao, chưa thực sự quan tâm trong chỉ đạo điều hành để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp, có nhiều dự án đạt 0% đến 1%.

Để đảm bảo đẩy mạnh và phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kết quả cao nhất với mục tiêu đến ngày 31/01/2025 giải ngân hết nguồn vốn đã được phân bổ năm 2024, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung sau:

Các chủ đầu tư: Khẩn trương rà soát công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, hoàn thiện các thủ tục, các khối lượng công việc còn tồn đọng để xử lý dứt điểm. Rà soát các quyền lợi, nghĩa vụ của Chủ đầu tư trong quản lý thực hiện dự án; căn cứ Hồ sơ dự thầu và hợp đồng đã ký với các nhà thầu để lập biên bản và xử lý đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng. Chỉ đạo đơn vị thi công tập trung nguồn lực, nhân lực, máy móc thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình theo tiến độ hợp đồng đã ký kết. Thực hiện nghiệm thu đối với những khối lượng hoàn thành theo quy định, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không để dồn thanh toán đến giữa năm và cuối năm. Tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc giải phóng mặt bằng dự án. Hoàn thành sớm đối với những phần diện tích không gặp khó khăn vướng mắc và kịp thời bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu triển khai. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn năm 2023 chuyển sang thực hiện năm 2024: Yêu cầu Chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đảm bảo giải ngân 100% vốn năm 2023 chuyển sang năm 2024. Các Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong trường hợp không đáp ứng tiến độ giải ngân và bị cắt, điều chuyển vốn về trung ương.

Rà soát, đề xuất điều chuyển vốn các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch đã được giao cho các dự án có khả năng tốt hơn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (Qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp). Đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện giải ngân theo đúng kế hoạch được nêu trong Kết luận số 997-KL/TU ngày 12/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị giao ban chuyên đề quý I năm 2024 “Nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” và Văn bản số 495/UBND-KTN ngày 04/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đồng thời có văn bản phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án (gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp).

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Rà soát nhu cầu các công trình dự án theo địa bàn quản lý cần điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu sử dụng đất, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu điều chỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Chỉ đạo các Phòng, ban chức năng phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Tập trung nhân lực để thực hiện công tác đo đạc bản đồ giải thửa, công tác xác định nguồn gốc đất phải đảm bảo tính chính xác, đúng quy định. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để người dân hiểu và đồng thuận với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, trường hợp phải tổ chức kiểm đếm bắt buộc, bảo vệ thi công, cưỡng chế, thì phải có kế hoạch cụ thể, đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tổng hợp, cập nhật kết quả giải ngân của các kỳ vào Báo cáo hàng tháng để so sánh kết quả giữa các kỳ. Đối với việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát các thủ tục, các cơ chế chính sách của Chương trình, để nghiên cứu làm rõ về quy trình thực hiện đảm bảo theo quy định, thống nhất ý kiến đề xuất biện pháp giải quyết tháo gỡ những khó khắn, vướng mắc, trình Ủy ban nhân dân tỉnh. Tiếp tục đôn đốc các Chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện dự án theo quy định. Tổ chức kiểm tra thực địa đối với các dự án sử dụng vốn NSTW (vốn trong nước) và các dự án có số kế hoạch vốn từ nguồn thu từ sử dụng đất trên 20 tỷ đồng chưa thực hiện giải ngân. Trường hợp đến ngày 30/6/2024 các dự án vẫn không thực hiện giải ngân, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu đề xuất điều chuyển toàn bộ số vốn đã được bố trí năm 2024 của các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch đã được giao sang cho các dự án có khả năng tốt hơn, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Văn bản phê bình chủ đầu tư có dự án tỷ lệ giải ngân 0% trong từng trường hợp cụ thể như sau: Đối với các dự án đầu tư công (trừ 03 Chương trình mục tiêu quốc gia): Thực hiện phê bình đối với Chủ đầu tư nếu tính đến ngày 30/6/2024 có dự án tỷ lệ giải ngân 0%. Đối với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Thực hiện phê bình đối với Chủ đầu tư tính nếu đến ngày 30/7/2024 có dự án tỷ lệ giải ngân 0%.

Giao cho Sở Nội vụ phối hợp theo dõi kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024) của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (là chủ đầu tư dự án)./.