DetailController

Khoa học - Môi trường

Kết luận của BCH Đảng bộ tỉnh sơ kết 03 năm thực hiện chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh

10/01/2023 00:00
Ngày 05/1/2023, Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 832-KL/TU sơ kết 03 năm thực hiện Kế hoạch số 257-KH/TU, ngày 31/12/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Tuyên truyền và xây dựng mô hình “Khu dân cư phân loại rác kết hợp sử dụng vật liệu tái chế” tại địa phương nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo đó, BCH Đảng bộ tỉnh đã thảo luận và thống nhất đánh giá: Sau 03 năm triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch số 257- KH/TU, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt sâu sắc, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, triển khai thực hiện, cụ thể hóa nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch số 257-KH/TU phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. 

Các hoạt động về ứng phó với biến đổi khí hậu, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được các cấp ủy, chính quyền các sở, ngành, địa phương tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ, gắn với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các đơn vị; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, cơ quan, đơn vị và nhân dân được nâng cao. Từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và huy động sự tham gia đông đảo của các tổ chức, tầng lớp Nhân dân trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong toàn tỉnh. 

Phần lớn các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và cấp bách đã được triển khai tại hầu hết các cơ quan, đơn vị, đạt được những kết quả đáng khích lệ, một số hoạt động được triển khai với nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả thực tế mặc dù trong năm 2020 - 2021 chịu tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới việc triển khai các hoạt động. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Một số cấp, ngành, đơn vị, đặc biệt là ở cấp ủy cơ sở còn chưa thấy rõ vai trò trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chưa nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nhân dân về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững còn hạn chế, chưa đồng đều. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai còn mang tính hình thức, chưa có sự sáng tạo, chưa bảo đảm về công tác theo dõi, đánh giá, tổng hợp trong quá trình triển khai thực hiện. Vẫn còn tình trạng gây ô nhiễm môi trường ở một số cơ sở doanh nghiệp. Tình trạng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập, phần lớn rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp không hợp vệ sinh. Đặc biệt tại thành phố Hòa Bình và thị trấn Lương Sơn, rác thải phát sinh hàng ngày được tập kết tại một số vị trí mà chưa được xử lý hoặc xử lý một phần nhỏ, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhiều nơi chưa bảo đảm, đặc biệt với tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên nước,... 

Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Kế hoạch số 257-KH/TU, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 257-KH/TU và các văn bản pháp luật, các Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị của UBND  tỉnh về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua xây dựng mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu hoàn chỉnh tại các địa phương, như các mô hình ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tái tạo, sử dụng năng lượng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu và ít phát thải khí nhà kính, mô hình cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình cộng đồng ít phát thải khí nhà kính, mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải, đặc biệt phát triển mạnh “mô hình nông nghiệp sinh thái - tương hợp năng lượng” để nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó cộng đồng tự thay đổi nhận thức và thấy rõ thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường là sở thích tự nhiên, ăn sâu vào nếp sống mỗi người dân. 

Đổi mới về cách làm, cách phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh trong thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế quy định chung về cách làm, cách phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh trong thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, quy định rõ về trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, chỉ rõ đầu mối, con người đảm nhận chuyên trách, cách chuyển giao công việc khi luân chuyển cán bộ, cách thức tổng hợp thông tin liên quan tại cơ quan, đơn vị,...để mọi hoạt động, số liệu báo cáo định kỳ của mỗi cơ quan, đơn vị là thiết thực, đầy đủ, không bị động. Các cơ quan chuyên môn chính về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải bảo đảm là đầu mối thường xuyên có văn bản hướng dẫn, đôn đốc, xây dựng phương pháp thu thập số liệu thường xuyên từ các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để kịp thời nắm bắt, có định hướng tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh có chỉ đạo phù hợp nhằm đạt được hiệu quả tốt hơn trong triển khai các Chương trình, Kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể được Trung ương, Tỉnh ủy giao thực hiện. Nghiên cứu triển khai lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát bằng camera đặt tại ví trí các nguồn thải (khí thải, nước thải, chất thải nguy hại) của tất cả các cơ sở, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh có phát sinh chất thải được gắn kết theo dõi về trụ sở UBND các xã, phường thị trấn, cộng đồng dân cư nơi đặt dự án hay cơ quan chuyên môn để nâng cao hiệu quả giám sát cơ sở, doanh nghiệp trong việc chấp hành các biện pháp về thu gom, xử lý chất thải ra môi trường.

Tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy mạnh xã hội hoá thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đảm bảo nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường theo đúng tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực quốc tế thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, hướng dẫn người dân, cộng đồng dân cư xây dựng các mô hình thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đạt hiệu quả và nhân rộng trong toàn tỉnh, cần đặc biệt trú trọng phát triển các mô hình ở quy mô hộ gia đình, cộng đồng dân cư. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động ứng phó với biên đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai. 

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trọng tâm, nhiệm vụ cấp bách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong Kế hoạch của Tỉnh ủy, đặc biệt với các nội dung chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt hiệu quả. Các cơ quan chuyên môn phụ trách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tiếp tục triển khai các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện bảo đảm kết quả chung thực hiện Kế hoạch của Tỉnh ủy trong toàn tỉnh./.