Trong thời gian qua, công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện theo các văn bản của Trung ương và của tỉnh; các quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để thu hút các dự án đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém đó là: Tỷ lệ phủ quy hoạch còn thấp, nhiều khu vực trong tỉnh chưa có quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch chưa đồng bộ. Nguồn vốn bố trí cho công tác lập quy hoạch chung đô thị và các quy hoạch khác còn hạn chế nên ảnh hưởng đến tiến độ lập các quy hoạch. Hệ thống hạ tầng khung trong đô thị, hạ tầng kết nối các dự án chưa được triển khai hoặc triển khai chưa đồng bộ các hệ thống hạ tầng đi kèm, các hệ thống công trình cấp nước, xử lý nước thải theo hệ thống hạ tầng khung của các đô thị chưa được đầu tư dẫn đến khó khăn cho các dự án khi đấu nối hạ tầng với khu vực. Trình tự thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và kỳ lập điều chỉnh của quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan là khác nhau nên việc thống nhất giữa các quy hoạch gặp nhiều khó khăn; còn chưa đồng bộ giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan gây khó khăn cho quá trình lập, quản lý quy hoạch cũng như triển khai thực hiện dự án. Trình tự thủ tục pháp lý, kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập do cơ chế, chính sách, đơn giá bồi thường có sự thay đổi dẫn đến phát sinh các kiến nghị của các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng trong công tác giải phóng mặt bằng. Năng lực của một số đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế. Chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác lập quy hoạch, còn lúng túng trong việc hoạch định chiến lược và định hướng các khu vực có tiềm năng lợi thế để thu hút đầu tư.
Để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng để thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp và các quy hoạch khác liên quan; bám sát các quan điểm phát triển, nhiệm vụ trọng tâm và 05 khâu đột phá gồm: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và Nền văn hóa Hòa Bình; Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tập trung thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Quan tâm bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu của công tác quy hoạch, bảo đảm các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được triển khai thực hiện và hoàn thành theo tiến độ được phê duyệt; trong đó, tập trung rà soát, xác định các khu vực có tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư để ưu tiên bố trí trước vốn để lập quy hoạch xây dựng, trước mắt: Hoàn thành các đồ án quy hoạch đang triển khai; Ban Thường vụ Thành ủy Hòa Bình lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 trên địa bàn trình thẩm định, phê duyệt theo quy định; Ban Thường vụ các huyện Mai Châu, Đà Bắc, Yên Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong tất cả các khâu, các bước triển khai: Từ khâu điều tra, khảo sát, lập nhiệm vụ quy hoạch, thẩm định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ trong việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch giữa quy hoạch xây dựng với các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật có liên quan trên cùng một địa bàn để làm cơ sở cho việc lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Trong quá trình lập các đồ án quy hoạch, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan theo đúng quy định, đặc biệt là việc lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như: Cấp nước, thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc,...
Đẩy mạnh công khai, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi, các bản đồ có liên quan của các đồ án quy hoạch sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện các đồ án quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở nội dung quy hoạch; các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện các đồ án Quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch sử dụng đất. Chủ động nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch bằng nhiều hình thức phù hợp với thực tế trong quá trình phát triển đô thị để góp phần triển khai thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quy hoạch tỉnh Hoà Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn chưa thống nhất, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Kêu gọi các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, lựa chọn, quyết định đầu tư và đầu tư mở rộng tại Hoà Bình, đồng thời cam kết các cấp, các ngành đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh./.