Kế hoạch được ban hành thực hiện nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; vận động đồng bào các dân tộc xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đặt ra một số chỉ tiêu đến năm 2025: Có 100% đồng bào các xã, thôn đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin về công tác dân tộc, chính sách dân tộc qua phương tiện thông tin đại chúng. 100% già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được cung cấp tài liệu (tờ gấp, sách bỏ túi, cẩm nang pháp luật, sổ tay truyền thông và các ấn phẩm, tài liệu khác) nội dung về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; 80% già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo thôn đặc biệt khó khăn trong đồng bào dân tộc thiểu số được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác dân tộc, chính sách dân tộc;
100% Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thôn bản đặc biệt khó khăn; Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; các đoàn thể xã, thôn đặc biệt khó khăn; trường Tiểu học, Trung học cơ sở; Trường Dân tộc nội trú, Dân tộc bán trú cụm xã, các xã vùng dân tộc thiếu số và miên núi được hưởng chính sách cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí; 100% già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo thôn đặc biệt khó khăn; Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng phụ nữ, Bí thư chi đoàn thanh niên, Chi hội trưởng cựu chiến binh, Chi hội trưởng nông dân, Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc ở các thôn đặc biệt khó khăn được cung cấp thông tin, cập nhật tình hình kinh tế, xã hội của địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm thông tin về pháp luật được tiếp cận dễ dàng nhất mà không bị hạn chế về không gian và thời gian. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với tính chất đặc thù của các nhóm đối tượng, tình hình thực tiễn tại các địa bàn, lĩnh vực. Xây dựng tiến độ, cách thức thực hiện khoa học, có trọng tâm; thực hiện tốt việc đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm và chế độ báo cáo thống kê trong quá trình thực hiện./.