DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

17/11/2023 16:30
Ngày 16/11, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

UBND tỉnh yêu cầu Tổ chức thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin các loại (Dại, CGC, LMLM, VDNC,...) cho đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm tại các địa phương; chú trọng các vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm. Công tác tiêm phòng vắc xin phải đảm bảo kỹ thuật: đúng đối tượng, đúng chủng loại, liều lượng,... và đáp ứng nhanh, gọn theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Đảm bảo an toàn cho người và động vật khi thực hiện tiêm phòng. Thực hiện tốt việc giám sát sau tiêm phòng vắc xin cho động vật. Chủ động giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh động vật và thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời không để dịch lây lan diện rộng. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất sát trùng, vắc xin, nhân lực và phương án xử lý tình huống nếu có sự cố xảy ra. Cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Thủy sản b ng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng nh m nâng cao nhận thức cho nhân dân và huy động các nguồn lực tham gia phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người.

Trong đó: Bệnh Dại động vật: Tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi vào 2 đợt chính là tháng 3-4 và tháng 9-10, tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% tổng đàn trở lên; thường xuyên thực hiện tiêm bổ sung, đảm bảo mỗi con chó, mèo được tiêm vắc xin phòng bệnh Dại ít nhất 1 lần/năm; cấp giấy chứng nhận cho chó, mèo đã được tiêm phòng. Trước khi triển khai, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thông báo cho chủ nuôi chó, mèo biết thời gian, địa điểm tiêm phòng trên các phương tiện thông tin của địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, thống kê, báo cáo định kỳ tối thiểu 02 lần/năm về số liệu các hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo hiện có tại địa bàn, tổ chức tiêm phòng tập trung, triệt để theo địa bàn từng thôn, xóm, bản hoặc cụm dân cư, giao nhân viên thú y thực hiện tiêm phòng với sự hỗ trợ của Chính quyền cơ sở; căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại.

Lấy mẫu giám sát vi rút gây bệnh Dại đối với chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh Dại; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Dại động vật trên địa bàn quản lý nh m phát hiện sớm để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương chủ động phối hợp với cơ quan Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân, nguồn lây, tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định; hướng dẫn những người bị chó cắn đến Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn tiêm phòng vắc xin và điều trị phơi nhiễm với bệnh Dại.

Đối với bệnh Cúm gia cầm: Tổ chức thực hiện tiêm vắc xin Cúm gia cầm A/H5 (2 lần/năm) để tạo miễn dịch chủ động, phòng bệnh cho đàn gia cầm (Cúm: A/H5N1; A/H5N6; A/H5N8), đảm bảo đạt tỷ lệ 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm vắc xin.

Tăng cường công tác phòng, chống dịch; chủ động kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh tại các khu vực chăn nuôi trọng điểm gia cầm, ổ dịch cũ,... nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời. Lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm để xác định chính xác dịch bệnh, khi phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với vi rút Cúm gia cầm A/H5, thực hiện công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Giám sát lưu hành vi rút: thực hiện kế hoạch giám sát lưu hành vi rút CGC (Cúm: A/H5N1; A/H5N6; A/H5N8) nhằm cảnh báo và đề xuất chủng loại vắc xin cho công tác tiêm phòng cúm gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.

Giám sát sau tiêm phòng: mục đích đánh giá khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gia cầm sau tiêm phòng vắc xin; thời điểm lấy mẫu sau 21 ngày kể từ thời điểm tiêm phòng.

Tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm, tác hại đối với nền kinh tế, ngành chăn nuôi,... do hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm gây ra.

Đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Căn cứ vào tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương, chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn tham mưu việc mua, sử dụng vắc xin DTLCP để tổ chức phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở (Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc sử dụng vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi). Lưu ý trong quá trình triển khai tiêm phòng vắc xin DTLCP, có thể các đàn lợn của địa phương đã nhiễm vi rút DTLCP thực địa (vi rút DTLCP đang tồn tại trong môi trường chăn nuôi) và các mầm bệnh khác, nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nên khi đàn lợn được tiêm vắc xin DTLCP, rất có thể có phản ứng, phát bệnh, bị chết và buộc phải xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh theo quy định.

Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, khi nhập con giống về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng không có bệnh DTLCP, cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi...; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn: tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm từ các địa phương khác vào địa bàn.

Nuôi tái đàn lợn tại địa phương chưa công bố hết bệnh DTLCP, chỉ thực hiện khi đáp ứng các yêu cầu sau: Cơ sở chăn nuôi tập trung đã được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh, VietGAPH, GlobalGap trong chăn nuôi. Được chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn thú y địa phương kiểm tra, xác nhận đáp ứng yêu cầu nuôi tái đàn.

Đối với bệnh Lở mồm long móng: Tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM cho đàn trâu, bò, dê, lợn; tiêm 2 lần/năm. Ngoài 2 đợt tiêm chính nêu trên, các địa phương chủ động tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi phát sinh trước, trong và sau các đợt tiêm chính, bảo đảm tỷ lệ tiêm vắc xin tối thiểu 80% tổng đàn.

Giám sát lưu hành vi rút: thực hiện kế hoạch giám sát lưu hành vi rút LMLM nh m cảnh báo và đề xuất chủng loại vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn toàn tỉnh.

Giám sát sau tiêm phòng: đánh giá kết quả tiêm phòng và khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gia súc sau khi được tiêm vắc xin; tổ chức thực hiện giám sát sau tiêm phòng bệnh LMLM tại địa phương; thời điểm lấy mẫu sau 30 ngày kể từ thời điểm tiêm phòng gần nhất.

Đối với dịch bệnh gia súc, gia cầm khác: Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định. Trong đó chú trọng một số nội dung chính như sau:

Trâu, bò: Tiêm vắc xin phòng bệnh Tụ huyết trùng, tiêm định kỳ 2 lần/năm, tỷ lệ tiêm phải đạt 80% tổng đàn trở lên; bệnh Viêm da nổi cục, tiêm định kỳ 01 lần/năm, tỷ lệ tiêm phải đạt 80% tổng đàn trở lên.

Dê: Tiêm vắc xin phòng bệnh Tụ huyết trùng, Đậu dê, LMLM; tiêm định kỳ 2 lần/năm, tỷ lệ tiêm phải đạt 80% tổng đàn trở lên.

Lợn: Tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả cổ điển, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Tai xanh, LMLM, ...; tiêm định kỳ 2 lần/năm, tỷ lệ tiêm phải đạt 80% tổng đàn trở lên.

Gia cầm: Tiêm vắc xin phòng bệnh Niu cát xơn, Tụ huyết trùng; tiêm định kỳ 2 lần/năm, tỷ lệ tiêm phải đạt 80% tổng đàn trở lên.

Đối với dịch bệnh thủy sản: Áp dụng các quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh. Tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải theo quy định; mùa vụ thả giống, chất lượng con giống, quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc (VietGAP, GlobalGAP...); áp dụng các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản, nh m giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành Thú y; định kỳ kiểm tra ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, xử lý động vật trung gian truyền bệnh; thu mẫu gửi mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có dịch bệnh phát sinh; xử lý theo quy định động vật thủy sản nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp xử lý ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi.

Chủ động các biện pháp phòng bệnh cho động vật thủy sản để giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh; phòng, chống kháng kháng sinh và tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản.

Giám sát chủ động: Công tác giám sát thực hiện chủ yếu với thủy sản nuôi như: Cá Lăng, cá Rô phi đơn tính, cá Riêu hồng, cá Chép, cá Trắm cỏ...tại các cơ sở sản xuất, khu ương nuôi giống, khu nuôi tập trung, các khu vực nuôi cá lồng, bè (2 lần/năm).

Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên cá: Bệnh do vi rút; bệnh do vi khuẩn (Aeromonas, Pneudomonas, Streptococcus, bệnh nấm nước ngọt, ký sinh trùng., trên cá Chép, Trắm cỏ, Rô phi đơn tính.. .2 lần/năm).

Giám sát bị động: Thực hiện kiểm tra, giám sát khi có thông tin dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm để gửi xét nghiệm xác định bệnh hỗ trợ công tác chẩn đoán, báo cáo diễn biến dịch bệnh và hướng dẫn tổ chức thực hiện các biện pháp bao vây khống chế, xử lý kịp thời dịch bệnh.

Các biện pháp chống dịch, xử lý ổ dịch: Chủ cơ sở nuôi, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh hoặc chết nhiều không rõ nguyên nhân có trách nhiệm báo cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương hoặc phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phòng Kinh tế thành phố) để được tư vấn, lấy mẫu gửi xét nghiệm chẩn đoán xác minh dịch bệnh. Đồng thời phải chấp hành các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong quá trình xử lý ổ dịch bệnh thủy sản theo quy định.

Cách ly, di chuyển (đối với thủy sản nuôi lồng, bè) động vật thủy sản mẫn cảm với mầm bệnh, hạn chế các tác nhân làm lây lan dịch bệnh, sử dụng các loại hóa chất để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường vùng, ao, hồ nuôi, phương tiện, dụng cụ nuôi, nước thải, chất thải... và áp dụng các biện pháp vệ sinh cần thiết khác để xử lý ổ dịch và thủy sản nhiễm bệnh, chủ cơ sở nuôi thu hoạch thủy sản trong vùng dịch phải thực hiện theo hướng dẫn và có sự giám sát của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương.

Thu hoạch đối với thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác theo quy định.

Chữa bệnh đối với thủy sản bị mắc bệnh: Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phối hợp với địa phương xác định bệnh, đề xuất phác đồ điều trị và báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh thủy sản trong quá trình điều trị.

Tiêu hủy đối với thủy sản theo quy trình, hướng dẫn và có sự giám sát theo quy định.

Khử trùng nguồn nước ao nuôi, môi trường nuôi, dụng cụ, lồng, bè nuôi, xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh b ng hóa chất, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và bảo đảm vệ sinh môi trường. Những người tham gia chống dịch phải thực hiện mang bảo hộ, vệ sinh cá nhân để hạn chế phát tán mầm bệnh ra môi trường và cơ sở nuôi khác.

Ngoài ra, tổ chức vệ sinh khử trùng tiêu độc; thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm soát mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý người hành nghề thú y và buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và sản xuất con giống vật nuôi xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật./.