Theo đó, tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm đánh giá toàn diện những kết quả đạt được trong quá trình thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Nhận diện những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo (nếu có) nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới.
Yêu cầu: Việc tổng kết Luật Hòa giải ở cơ sở phải được tiến hành nghiêm túc, khách quan, thực chất, toàn diện từ tỉnh đến cơ sở; đảm bảo đúng mục đích và tiến độ đề ra, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, bám sát các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2611/QĐ-BTP, ngày 04/11/2013 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình tổng kết, phát huy vai trò nòng cốt của các Tổ hòa giải trực thuộc UBND xã, phường, thị trấn; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Phạm vi tổng kết: Việc tổng kết được thực hiện trên địa bàn tỉnh, tại các địa phương, cơ quan, tổ chức, đoàn thể có liên quan.
Mốc thời gian thông tin, số liệu tổng kết: Tính từ tháng 01/2014 đến hết tháng 6/2023.
Nội dung tổng kết: Theo Đề cương Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và các biểu mẫu thống kê số liệu.
Hình thức tổng kết: Xây dựng báo cáo cáo tổng kết; căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cụ thể tại địa phương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở (có thể lồng ghép vào các chương trình, Hội nghị của ngành, lĩnh vực có liên quan...).
Tổ chức các hoạt động truyền thông về kết quả tổ chức thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản có liên quan: Xây dựng, đăng tải, viết các tin bài, phóng sự; phát hành sản phẩm truyền thông về Luật Hòa giải ở cơ sở, kết quả thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp; Phòng Tư pháp các huyện, thành phố. Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; Cơ quan báo, đài, các cơ quan, đơn vị có liên quan. Thời gian thực hiện: Từ Quý II - IV/2023. Sản phẩm: Các tin, bài, phóng sự, sản phẩm truyền thông được đăng tải, phát hành trên Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, trên Báo Hòa Bình, Trang Thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức ở địa phương. Chú trọng thông tin về những sáng kiến, mô hình, cách làm hay, hiệu quả, những tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện qua Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Giao Sở Tư pháp chủ trì tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện. Kinh phí triển khai Kế hoạch được đảm bảo theo quy định hiện hành./.