Mục đích của kế hoạch là giám sát tình hình tổ chức thực hiện; đánh giá đúng thực trạng những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2020-2023. Chỉ rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan về những hạn chế, yếu kém. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2020-2023. Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương; các cấp, các ngành của tỉnh trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả.
Yêu cầu: Xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác, khách quan, đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2020-2023 bảo đảm thời gian, tiến độ đã đề ra trong kế hoạch giám sát. Các cơ quan, địa phương, đơn vị được giám sát báo cáo, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu liên quan đảm bảo thời gian quy định; có trách nhiệm giải trình, làm rõ những nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Thành viên Đoàn giám sát dành thời gian nghiên cứu tài liệu liên quan đến nội dung giám sát và bố trí công việc hợp lý, tham dự đầy đủ các cuộc giám sát theo kế hoạch đề ra. Tổ chức giám sát đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nội dung giám sát trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.
Nội dung, phạm vi: Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2020-2023. Niên độ báo cáo từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 3 năm 2023.
Đối tượng giám sát, khảo sát: Giám sát trực tiếp:Uỷ ban nhân dân tỉnh;Uỷ ban nhân dân một số huyện, thành phố. Giám sát gián tiếp qua xem xét báo cáo Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố không giám sát trực tiếp.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn trong quá trình giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có thể bổ sung đối tượng giám sát nếu thấy cần thiết.
Để thực hiện giám sát đạt kết quả, Đoàn giám sát tổ chức làm việc theo phương thức: Tiến hành giám sát trực tiếp đối với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân một số huyện, thành phố. Địa điểm tổ chức tại Trụ sở các đơn vị được giám sát. Gửi kế hoạch, đề cương báo cáo giám sát cho các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát để xây dựng, gửi báo cáo và cung cấp các tài liệu liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu. Nghiên cứu tài liệu thông qua báo cáo và tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương liên quan đến nội dung giám sát nếu xét thấy cần thiết. Tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá các cơ sở pháp lý, kết quả thực tế và báo cáo của các cơ quan, địa phương, đơn vị chịu sự giám sát, yêu cầu gửi báo cáo bổ sung (nếu có). Tổng hợp báo cáo kết quả giám sát trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, đề xuất với các đơn vị có liên quan./.