DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản năm 2023

29/03/2023 15:49
Ngày 28/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 576/QĐ-UBND Ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023.
Tăng cường công tác tuyên hỗ trợ các chủ thể sản phẩm đưa sản phâm tham gia các Lễ hội, Hội chợ, Tuần lễ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm..

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai  đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp theo Quyết định số 394/QĐ-BNN-CLCB ngày 01 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành Kế hoạch đảm bảo antoàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023; Kế hoạch số 149-KH/TU ngày ngày 31 tháng 01 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, triển khai thực hiện Đề án "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2022-2030" trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình tại thị trường trong nước và quốc tế.

Kế hoạch xác định kết quả và chỉ số cần đạt được trong năm 2023. Trong đó, phấn đấu nâng tỷ lệ các cơ cở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B tăng lên 94% so với 92,6% năm 2022; tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 10% so với năm 2022; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát tại vùng sản xuất trong tỉnh vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm; diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận theo VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ tăng 10%/năm so với năm 2022; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm so với năm 2022; tỷ lệ hàng hóa qua sơ chế, chế biến tăng 5% so với năm 2022; có trên 80% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật về chuyên môn nghiệp vụ.

Để đạt được kết quả trên, các sở, ban, ngành, địa phương cần triển khai kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch về công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm của Quốc hội, Chính Phủ và các Bộ, ban, ngành có liên quan. Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và truyền thông quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Đảm bảo thẩm định chứng nhận đầy đủ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP, tăng cường vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết và kiểm tra ký cam kết theo qui định. Chủ động giám sát, cảnh báo, thanh kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiệm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, ATTP. Kịp thời cảnh báo và xử lý sự cố về an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tìm kiếm, khai thác, thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nâng cao năng lực quản lý thương hiệu sản phẩm; thúc đẩy việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói sản phẩm. Triển khai chương trình giám sát lấy mẫu nông lâm thủy sản để kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm; lấy mẫu nông sản thực phẩm trên diện rộng để đánh giá nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Cải tiến kỹ thuật, nâng cấp cơ sở hạ tầng các cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản; cải tiến công nghệ, phát triển các dịch vụ logistics.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành triển khai kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Hội Nông dân hướng dẫn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản, thực phẩm của tỉnh; tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ, xây dựng, mở rộng vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị đảm bảo chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Giới thiệu cho các tổ chức, cá nhân tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, tem truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác đóng gói sản phẩm. Triển khai kế hoạch lấy mẫu giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, kế hoạch hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Triển khai đồng bộ, đầy đủ hoạt động thẩm định, chứng nhận, hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện ATTP. Lồng ghép nhiệm vụ để hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản.

Sở Y tế chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 149-KH/TU ngày 31/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tổ chức thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, chú trọng kiểm tra về chất lượng thực phẩm, xuất xứ của sản phẩm.

Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023 trên địa bàn các huyện, thành phố. Cấp kinh phí cho các đơn vị chuyên môn và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn để thực hiện các nhiệm vụ quản lý về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm trâu, bò có nguồn gốc nhập khẩu được lưu thông trên địa bàn. Tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, các doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các đối tác xuất khẩu nông sản.

Trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị được phân công có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, hiệu quả./.