Nhằm phát triển sản xuất gắn với công tác quy hoạch và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, Uỷ ban nhân dân huyện, Ban chỉ đạo Chương trình đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa; các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn; ưu tiên, phát triển các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, trên cơ sở đó các xã xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, tạo thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm. Về công tác dồn điền đổi thửa: Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 44 xóm tại các xã Ngọc Lương, Yên Trị, Phú Lai, Lạc Lương, Đoàn Kết và Yên Lạc thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã thực hiện dồn điền đổi thửa là 1.354,38 ha, với 3.835 hộ tham gia, bình quân mỗi hộ có 6,48 thửa, cá biệt có những hộ có đến 23 thửa ruộng, sau khi dồn điền đổi thửa tổng số thửa còn 9.032 thửa, bình quân mỗi hộ còn 2,35 thửa hình thành những thửa ruộng, những cánh đồng lớn; bên cạnh đó, địa phương đã kết hợp xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, từ đó nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập cho nông dân.
Xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Yên Thủy đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Kết quả, đã xây dựng và triển khai trên 100 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả tại các xã, trên 904 mô hình Chương trình Giảm nghèo giai đoạn 2 thực hiện các mô hình trồng mía tím, mía nguyên liệu, bí xanh, bí đỏ, lạc, cà gai leo, nuôi ngan, ngỗng thịt, nuôi dê, lợn sinh sản bản địa, gà, ong lấy mật... tại các xã vùng dự án. Về phát triển tổ chức sản xuất, đã hành lập được 31 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và 39/40 Tổ hợp tác nông nghiệp, trong đó có 5 Hợp tác xã và 10 Tổ hợp tác tham gia mô hình liên kết chuỗi với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: chuỗi sản xuất và tiêu thụ Bí xanh, Cà gai leo, Dưa chuột bao tử, Bưởi diễn, mía nguyên liệu.. Đặc biệt, huyện đã thực hiện chuyển đổi 718,78 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây khác có giá trị kinh tế cao hơn; cải tạo được 657,5/1279 ha vườn tạp, đạt 51,41% tổng diện tích vườn tạp của huyện; hỗ trợ phát triển hàng hoá trong lĩnh vực trồng trọt theo Quyết định 11/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh cho 198,6 ha cây ăn quả có múi, 10 ha rau an toàn, với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng; hỗ trợ 327,9 triệu đồng cho 03 Hợp tác xã bao tiêu 1.150 tấn sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện theo Quyết định 33/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Trên địa bàn huyện dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn như: Bí xanh (Đoàn kết, Bảo Hiệu, lạc Lương, Phú Lai, Hữu Lợi) , Bưởi (Ngọc Lương, Bảo Hiệu, thị trấn Hàng Trạm), Khoai sọ (Yên Trị, Ngọc Lương), cây dược liệu (Đa Phúc, Bảo Hiệu), chăn nuôi dê, gà, trâu bò các xã vùng 135, chăn nuôi lợn các xã vùng I, vùng II…mang lại giá trị sản xuất cao, điển hình như cây ăn quả có múi (chủ lực là cây Bưởi), diện tích cho thu hoạch trên 200ha/689,36ha, cho thu nhập bình quân 400 triệu đồng/ha; Bí xanh diện tích 708,3ha, năng suất bình quân 21,39 tạ/ha, sản lượng 15.153,09 tấn, cho thu nhập bình quân 160 triệu/ha, Cà gai leo, diện tích 130ha, năng suất 4,5 tấn/ha, cho thu nhập khoảng 200 triệu/ha.
Mặt khác, huyện rất chú trọng đến phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm chủ lực của địa phương. Năm 2018 huyện tổ chức xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Bưởi Yên Thuỷ, đến nay đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận tại Quyết định số 76495/QĐ-SHTT ngày 09/9/2019, hiện nay đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho Bí xanh Yên Thuỷ, Khoai sọ Yên Thuỷ, Cà gai leo Yên Thuỷ và đăng ký 3 sản phẩm tham gia chương trình OCOP (Cao Cà gai leo, Trà Cà gai leo, Rượu Đù Địn) tỉnh Hoà Bình.
Song song với đó đó, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn luôn được cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong giai đoạn 2010 - 2020 mở được 269 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn như nghề: may, hàn điện, trồng bí, nuôi gà thả vườn, trồng cây ăn quả có múi…. cho 3.825 học viên. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên toàn huyện hết năm 2020 đạt 53,5%. Lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%.
Nhờ đó, đến nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 41,2 triệu đồng/người/năm. Tính đến hết năm 2020, toàn huyện có 5/10 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập; 5/10 xã đạt tiêu chí số 11 về Hộ nghèo; 10/10 xã đạt Tiêu chí số 12 về Lao động có việc làm; 10/10 xã đạt tiêu chí 13 về Tổ chức sản xuất./.