Thực hiện tái cơ cấu ngành, huyện Tân Lạc đã triển khai các đề án về hỗ trợ phát triển sản xuất như: Đề án tái cơ cấu ngành trọt, ngành chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng rau sạch, trồng mía mô, trồng bưởi, nuôi cá lồng theo hướng liên kết chuỗi, gắn giữa sản xuất và tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập và gảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, chuyển dịch nhanh từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất. Lâm nghiệp phát triển nâng cao giá trị gia tăng, trồng rừng kinh doanh gỗ lớn; tập trung đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã Ngòi Hoa và Trung Hòa.
Hình thành được các chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã, người dân và doanh nghiệp: Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ, cá lồng, rau an toàn, quýt Nam Sơn. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật gắn với xây dựng mô hình, trọng tâm là các mô hình có hiệu quả (bưởi, quýt, cá, lúa, ngô). Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn: Hỗ trợ thúc đẩy 03 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá (Hợp tác xã thương mại dịch vụ Tân Lạc Sơn, Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Đông Lai, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Quyết Chiến), góp phần tiêu thụ sản phẩm đảm bảo cho người dân yên tâm sản xuất. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật Hợp tác xã năm 2012, khuyến khích các xã tổ chức sản xuất hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất gắn với thị trường. Phát triển ngành nghề, làng nghề, củng cố lại bộ máy tổ chức làng nghề truyền thống. Thu hút doanh nghiệp vào đầu tư du lịch sinh thái tại các xã Ngòi Hoa, Quyết Chiến, Nam Sơn, Phú Cường theo hình thức du lịch cộng đồng. Xây dựng làng du lịch cộng đồng xóm Ải, xã Phong Phú, xây dựng thương hiệu cho cây quýt xã Nam Sơn, cây khoai lang xã Phú Cường. Xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể bưởi đỏ Tân Lạc được công nhận năm 2017. Đã có 24 tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đầu tư vào huyện, trong đó có 09 nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản, may mặc, khai thác mỏ than, đá vật liệu xây dựng, gạch tuynen; 13 nhà đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, thương mại, du lịch sinh thái, khách sạn, nhà hàng và 02 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cây ăn quả, trồng rừng.
Trên địa bàn huyện có 02 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ (băm dăm, gỗ bóc), hoạt động chế biến nông sản chưa phát triển, chủ yếu vẫn là chế biến thô. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện gồm có 155 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó về lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt 11 doanh nghiệp; lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản 10 doanh nghiệp; sản xuất gia công 13 doanh nghiệp; xây dựng 36 doanh nghiệp; buôn bán, du lịch, vận tải và dịch vụ khác 85 doanh nghiệp. Đã thành lập được 31 hợp tác xã, trong 25 hợp tác xã đang hoạt động có tổng số vốn đăng ký là 81.612 triệu đồng; tổng số thành viên trong các hợp tác xã 205 người. Thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu ước tính 11.980 triệu đồng, Doanh thu bình quân 480 triệu đồng/hợp tác xã; Lợi nhuận bình quân 01 hợp tác xã đạt khoảng 80 triệu đồng. Có 03 hợp tác xã điển hình tiến tiến, tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa bao gồm: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lương Phú tại xã Phong Phú; Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch tại xã Đông Lai; Hợp tác xã sản xuất rau an toàn tại xã Quyết Chiến. Có 02 sản phẩm nông nghiệp được công nhận là “nhãn hiệu tập thể” là Bưởi đỏ Tân Lạc và nhãn hiệu Quýt Nam Sơn. Hiện nay trên địa bàn huyện tổng số 04 xã (Tử Nê, Đông Lai, Quyết Chiến, Phong Phú) có hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá, gồm: Hợp tác xã thương mai dịch vụ Tân Lạc Sơn, Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Đông Lai, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Quyết Chiến, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lương Phú.
Về phát triển tổ hợp tác: Chủ yếu là những hộ có cùng sở thích làm đầu mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thông qua Tổ hợp tác các Hội viên phụ nữ có điều kiện tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật và tiếp cận thị trường, trao đổi chia sẻ lợi ích trong công việc tăng cường mối quan hệ hàng xóm cộng đồng. Tổng số có 332 thành viên. Thu nhập bình quân khoảng từ 1,8-2,0 triệu đồng/người/tháng.
Trong giai đoạn 2010-2020 toàn huyện đã mở 92 lớp đào tạo nghề đào tạo cho 2.435 lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg; tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm và thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi tư vấn giới thiệu việc làm trực tiếp cho người lao động trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,29%, tăng 12,54% so với giai đoạn 2010-2015.