Tân Lạc là một trong những huyện miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Hòa Bình với 23 xã và thị trấn, diện tích đất tự nhiên là 53.204,75 ha, dân số 82.456 người, trong đó dân tộc Mường chiếm 85%, dân tộc kinh là 14% còn lại là các dân tộc khác. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện là 11,3% với cơ cấu nông, lâm, thủy sản là 43,5%, công nghiệp, xây dựng 26,4%, dịch vụ 30,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,84 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, toàn huyện có 19.568 dân, trong đó số hộ nghèo là 5.267 hộ, chiếm tỷ lệ 26,92%, số hộ cận nghèo là 3.411 hộ, chiếm 17,43%. Đến nay, số lao động trong độ tuổi trên địa bàn huyện Tân Lạc khoảng 52,293 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 30,4%.
Để triển khai đề án 1956 đạt được hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nhân dân, nhất là những người thuộc các xã vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn huyện Tân Lạc đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 cũng như quyết định thành lập và giao biên chế cho trung tâm dạy nghề. Trên cơ sở đó, năm 2010 Trung tâm dạy nghề huyện Tân Lạc đã được thành lập và đi vào hoạt động. Hiện nay, Trung tâm dạy nghề huyện vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Từ năm 2010 đến hết năm 2012, huyện đã mở được 39 lớp với 1.106 học viên, trong đó có 436 lao động nông thôn thuộc đề án 1956 còn lại là các chương trình đào tạo qua các kênh khác. Lao động học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp là 486 người, chiếm 45,7%; phi nông nghiệp là 620 người, chiếm 54,3%, công chức cấp xã được đào tạo là 106 người.
Theo ông Bùi Văn Tinh, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc để đạt được kết quản này là do nhận thức của cán bộ các cấp và người dân nói chung, người lao động nói riêng về vị trí, vai trò, tác dung của công tác đào tạo nghề từng bước được nâng lên; chất lượng nguồn nhân lực của huyện Tân Lạc đã được cải thiện đáng kể, người lao động sau khi được đào tạo đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản, cần thiết về khoa học kỹ thuật áp dụng vào việc sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân và gia đình. Bước đâu một số mô hình đã có triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội như: HTX Vọng Ngàn, HTX Suối Hai với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương đã giữ gìn và phát huy được truyền thống văn hóa của dân tộc Mường; hay như mô hình trồng mía tím ở các xã Phú Vinh, Trung Hòa, Mỹ Hòa và Lỗ Sơn...đã đem lại giá trị kinh tế cao và một số mô hình chăn nuôi lợn nái, chăn nuôi gàn thả vườn...ở các xã Địch Giáo, Phong Phú và Lỗ Sơn...
Trong quá trình triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trên địa bàn huyện Tân Lạc cũng gặp những khó khăn do huyện có hơn 85% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, việc sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro, phụ thuộc vào thiên nhiên; khi bị thất bại trong sản xuất người lao động đã nghèo lại thêm phần khó khăn và dễ nản chí, bỏ nghề. Số lao động qua đào tạo còn thấp so với tỷ lệ người lao động trong độ tuổi, do nguồn kinh phí đầu tư cho đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu học nghề; việc bố trí sản xuất kinh doanh sau dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn, do bố trí vốn chưa hợp lý; một số lao động sau khi đào tạo lại không làm việc đúng nghề đào tạo do việc lựa chọn ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh ở địa phương. Bên cạnh đó, một số người lao động vẫn chưa nhận thức được vị trí, tác dụng của việc đào tạo nghề do tập quán canh tác theo nếp cũ còn ăn sâu trong nhận thức của một bộ phận nhân dân. Vì vậy, chưa thể một sớm, một chiều có thể thay đổi được như chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông còn dễ lây lan dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, nhiều khi sản phẩn làm ra không bán được...
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt được những kết quả cao, trong thời gian tới huyện Tân Lạc sẽ tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thông, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, thông qua các kênh, các chương trình đào tạo, phấn đấu từ năm 2013 đến năm 2015 số lao động được đào tạo nghề trên địa bàn huyện là 1.800 lao động (đào tạo trình độ sơ cấp nghề là 600 người và dưới 3 tháng là 1.200 người). Trong đó, nghề nông nghiệp là 990 lao động, chiếm 55%, nghề phi nông nghiệp 810 lao động, chiếm 45%. Đồng thời cũng khoảng thời gian này, huyện sẽ đào tạo cho khoảng 200 cán bộ công chức cấp xã; tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt từ 85% trở lên; tỷ lệ qua đào tạo nghề đến hết năm 2015 đạt 42%; 100% lao động nông thôn được phổ biến về Quyết định 1956.
Để thực hiện được các mục tiêu này, huyện Tân Lạc sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho người lao động nông thôn; làm tốt công tác rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; biên soạn chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu của thị trường lao động, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới...Bên cạnh đó, huyện Tân Lạc cũng mong muồn các cấp, ngành chức năng cần bổ sung tăng thêm nguồn kinh phí đào tạo để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề hàng năm; tìm thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm về nông sản do người lao động làm ra; nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho phù hợp với giá cả thị trường, giảm bớt khó khăn cho học viên; tiếp tục cấp kinh phí đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề của huyện để sớm đưa vào hoạt động phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện.