DetailController

Văn hóa

Huyện Mai Châu thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030

02/06/2020 00:00
Nhận thức được rằng công tác xây dựng gia đình là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong những năm qua công tác gia đình luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện. Do đó công tác gia đình ngày càng được đẩy mạnh hơn và luôn được gắn liền với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Huyện Mai Châu tổ chức diễn đàn tuyên truyền về bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em

Các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn đã xây dựng chương trình hành động và tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân từ huyện đến cơ sở. Nhờ đó, nhận thức về công tác gia đình ngày càng được nâng lên, các gia đình tích cực thực hiện tốt công tác sinh đẻ có kế hoạch, tích cực phát triển kinh tế để từng bước xóa đói, giảm nghèo, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng. Đại đa số các gia đình chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, các hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời giữ gìn và phát huy văn hoá gia đình, truyền thống tốt đẹp của dòng họ, dân tộc, tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn không phổ biến trên địa bàn huyện.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp ủy thường xuyên tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nội dung công tác gia đình có nhiều chuyển biến tích cực, từ công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành đến việc thực hiện các chỉ tiêu, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, của huyện như: Triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ…Hàng năm tổ chức phát động các phong trào thi đua trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để chào mừng các ngày lễ lớn trong năm; Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11), Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11)... Định kỳ tổ chức trao đổi các chủ đề về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội…nhằm thực hiện tốt phong trào thi đua “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà” góp phần xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan đơn vị có nếp sống văn minh, văn hóa công sở.

Tại các xã, thị trấn thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, các hoạt động bằng nhiều hình thức như: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật phòng, chống bạo lực gia đình và các luật có liên quan như: Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em... đến các tầng lớp nhân dân, tổ chức cuộc thi “Văn hóa, thể thao gia đình”, “Gia đình hạnh phúc” cấp huyện vào dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hàng năm .

Bên cạnh đó, các gia đình trên địa bàn huyện luôn tích cực phát triển kinh tế để từng bước xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt công tác sinh đẻ kế hoạch. Tại các khu dân cư các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền vận động các gia đình chấp hành pháp luật của Nhà nước, các hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình, truyền thống tốt đẹp của dòng họ. Đến nay đã có 16/16 xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình và Câu lạc bộ để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhằm đưa công tác gia đình gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hoá. Phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình được đẩy mạnh, trong huyện đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ như: Mô hình kinh tế VAC, mô hình nghề thổ cẩm - du lịch - ẩm thực,... góp phần quan trọng vào chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ quan, đơn vị, cộng đồng và các gia đình tham gia tích cực xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực được biểu dương và nhân rộng. Với đặc thù của huyện Mai Châu, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm đa số, trong đó dân tộc Thái chiếm ưu thế vốn có những giá trị truyền thống tốt đẹp như: lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa... được kế thừa và phát huy trong suốt tiến trình phát triển của các gia đình đồng bào các dân tộc. Vì vậy, trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH thì quan hệ trong gia đình của các dân tộc trong huyện mặc dù có những thay đổi, nhưng những chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại, các giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình vẫn được bảo tồn.

Tuy nhiên, do nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình, công tác quản lý nhà nước về gia đình chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn; nhiều vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh. Nhiều gia đình do quá tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Trên địa bàn huyện vẫn có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhỏ nhân dân, ngoài ra sự nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của gia đình trong hình thành nhân cách con người đã dẫn đến nhiều gia đình không có sự định hướng đúng cho con cái, ông bà cha mẹ chưa làm gương tốt cho con cháu, nên kéo theo tình trạng một số thanh niên, thiếu niên suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật./.