DetailController

Tin từ các đơn vị

Huyện Đà Bắc nỗ lực trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023

22/12/2023 16:30
Huyện Đà Bắc có 13 xã thuộc khu vực III, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sinh sống không tập trung, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 89,72% dân số. Năm 2023, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Đà Bắc đã tập trung nguồn lực, thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước để cải thiện đời sống người dân.

Triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, huyện Đà Bắc đã phát huy hiệu quả các nguồn lực, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 xã đặc biệt khó khăn còn dưới 6 xã. Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã, xóm đặc biệt khó khăn và tăng cường các biện pháp thu hút đầu tư nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Nguồn lực ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từ năm 2021 đến nay khoảng 1.200 tỷ đồng, tập trung vào các công trình điện, giao thông, cơ sở giáo dục, hồ đập, kênh mương, trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp. Vốn tài trợ từ các tổ chức trong nước là 10,5 tỷ đồng đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng tâm linh và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thủy điện.

Giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn huyện Đà Bắc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tổng số vốn giao các Chương trình tính nay trên 484 tỷ đồng, đã giải ngân trên 78 tỷ đồng. Đến nay, đường giao thông đến trung tâm các xã được cứng hoá 100%; đường đến các thôn bản cứng hoá 99%; 84% đường trục thôn, xóm, 79% đường ngõ xóm và 50% đường trục chính nội đồng được cứng hoá. Hệ thống trạm y tế được xây dựng tương đối khang trang, có 15/17 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy hiệu quả và lan rộng trong Nhân dân. Các phong trào thi đua như “Huyện Đà Bắc chung sức xây dụng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nhà sạch – Vườn dẹp – Môi trường trong lành – Ngõ xóm văn minh”; “5 không, 3 sạch”; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu tiếp tực được phát động. Tại các xã người dân đã tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và điều kiện sinh hoạt, từng bước chuyển hóa phong trào từ tự phát thành tự giác, từ chăm lo cho gia đình, cá nhân sang chăm lo việc chung của cộng đồng, thôn xóm.

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 720 hộ với tổng số tiền 2.160 triệu đồng; dự kiến năm 2023 hỗ trợ 2.600 hộ, tổng số tiền 7,8 tỷ đồng và thực hiện 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho khoảng 300 hộ tại 2 xã Nánh Nghê, Đồng Ruộng. Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 170 hộ với kinh phí 1,7 tỷ đồng; dự kiến năm 2023 hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 8.001 hộ, tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng. Trong quy hoạch bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn năm nay thực hiện 1 dự án tái định cư cho 50 hộ xã Nánh Nghê với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành và tiếp tục đầu tư 1 dự án tái định cư tại xã Đồng Chum. Huyện thực hiện các chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tín dụng chính sách xã hội, hình thành và phát triển kinh tế tập thể, tập trung vào phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng bè trên lòng hồ; bảo vệ và phát triển rừng; phát triển vùng chè chuyên canh trên 100 ha và tiếp tục cải tạo vườn tạp, phát triển các giống cây mới phù hợp với thổ nhưỡng. Phối hợp tổ chức 49 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 1.440 lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 61,78%.

Thời gian tới, huyện Đà Bắc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ và hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo về nhà ở, đất sản xuất, tín dụng, dạy nghề. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nhằm thay đỏi và chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miến núi, xây dựng nông thôn mới khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số./.