DetailController

Giáo dục

Huy động sức dân làm giao thông nông thôn

20/09/2010 00:00

Là tỉnh miền núi địa hình chia cắt, dân cư phân tán nên tỉnh ta luôn coi trọng xây dựng hệ thống giao thông gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao dân trí trên địa bàn. Cùng với hệ thống giao thông do Nhà nước đầu tư tỉnh ta còn phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Vì vậy, hiện nay hầu hết các tuyến đường giao thông ở tỉnh ta đều được nâng cấp, có đường ô-tô đến trung tâm các xã đã tạo thêm động lực cho sự phát triển về mọi mặt ở các địa phương.

- Cả chín xóm, bản ở xã vùng cao Cao Sơn (Đà Bắc) đều có đường ô-tô như thế này.

 

Bà Nguyễn Thị Chung - Trưởng phòng Quản lý giao thông (sở Ciao thông vận tải) cho biết, từ năm 2004 tỉnh ta đã triển khai Đề án cứng hóa (chủ yếu là đổ bê tông) các tuyến đường liên xã, liên thôn bản (được gọi là đường giao thông nông thôn - GTNT), phấn đấu đến năm 2010 sẽ hoàn thành 1350 km bằng 50% đường GTNT toàn tỉnh tại thời điểm đó, theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cụ thể là nhà nước hỗ trợ xi măng; nhân dân tham gia thi công, đóng góp kinh phí và vật liệu xây dựng theo dự toán. Đây là chủ trương hợp lòng dân lại được bàn bạc công khai, dân chủ khi thực hiện nên tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Các tuyến đường liên thôn bản được giao cho chi bộ đảng, các tổ chức đoàn thể tại cơ sở tổ chức thực hiện, cắt cử người theo dõi giám sát, nghiệm thu chất lượng công trình. Vì vậy trong suốt sáu năm triển khai Đề án không có trường hợp nào khiếu kiện về làm đường GTNT. Kết quả đến hết quý II - 2010, toàn tỉnh đã làm được gần 1000 km đường GTNT bằng bê tông. Trong thực tế đã xuất hiện nhiều cách làm hay và sáng tạo, trước hết là phong trào hiến đất để làm đường. Hệ thống đường GTNT ở Hòa Bình phần lớn đều do nhân dân tự làm nên thường nhỏ hẹp. Nay được nâng cấp, đổ bê tông đương nhiên phải lấy đất vườn, thổ cư của các hộ dân hai bên để mở rộng mặt đường cho đúng quy cách và phải có tiền hỗ trợ cho những hộ dân có đất phải giải tỏa. Nhưng kinh phí làm đường GTNT thường eo hẹp nên các địa phương đều có sáng kiến vận động nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường, yên cầu cán bộ và đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Thông qua tuyên truyền mọi người đều hiểu được ý nghĩa của việc này nên đồng tình hưởng ứng với tính tự nguyện cao. Chỉ tính riêng ở hai xã Lạc Long (Lạc Thủy), Ngọc Lương (Yên Thủy) người dân đã hiến hơn 20.000m2 đất để mở rộng và đổ gần 10 km đường GTNT trên địa bàn; hoặc gia đình ông Bùi Văn Giản ở xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) hiến gần 1000m2 đất vườn... Thấy rõ lợi ích của việc cứng hóa đường GTNT nhiều hộ dân ở xã Cao Sơn (Đà Bắc) đóng góp từ 8 - 10 triệu đồng để đổ đường bê tông vào tận ngõ nhà mình. Thí dụ nhà ông Nguyễn Văn Đến, góp 10 triệu đồng để có thêm đoạn đường bê tông rộng 3m, dài 250m nối từ trục đường của bản vào tận sân. Kết quả trong hai năm 2009 - 2010, Cao Sơn làm được gần 30km đường bê tông liên thôn, bản dẫn đầu huyện Đà Bắc về làm đường GTNT. Cao Sơn cũng là xã vùng cao duy nhất ở tỉnh Hòa Bình có đường ô-tô đến cả chín thôn, bản trong toàn xã. Huyện Đà Bắc được bộ Giao thông vận tải tặng cờ thi đua xuất sắc về làm đường GTNT trong năm 2009. Tương tự, với tinh thần “Nhà nước và dân nhân cùng làm”, trong 2 năm (2009 -2010), huyện Yên Thủy đã đổ bê tông được khoảng 50km, làm mới thêm 5,2 km, cải tạo nâng cấp hơn 50km đường GTNT các loại. Các tuyến đường hoàn thành đều phát huy được hiệu quả, phục vụ thiết thực cho việc đi lại, giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế xã - hội góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân địa phương.
   Đề án làm đường GTNT tuy nhận được sự hưởng ứng cao của nhân dân trong tỉnh nhưng tiến độ chậm, có năm cả tỉnh chỉ làm được 44 km nên phải điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến hết năm 2012. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỉnh ta còn nghèo, sức huy động trong dân chưa được nhiều. Còn về phía tỉnh, về mặt lý thuyết sẽ hỗ trợ xi măng đủ theo định mức nhưng lại ấn định giá xi măng là 620 đồng/kg (đến năm 2008 hỗ trợ thêm phí vận chuyển với mức hơn 45 nghìn đồng/tấn) là quá thấp so với giá xi măng ngoài thị trường, gây khó khăn cho các địa phương khi triển khai Đề án. Nhiều địa phương đã đề nghị tỉnh cần điều chỉnh giá xi măng khi hỗ trợ làm đường GTNT cho sát với giá thị trường nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm. Giải quyết vướng này, theo chúng ta cần lồng ghép Đề án làm đường GTNT với dự án giảm nghèo, các chương trình 134, 135... để có thêm nguồn vốn cho việc làm đường.
  Cùng với việc nâng cấp hệ thống giao thông trong phạm vi tỉnh quản lý, những tuyến quốc lộ qua địa phận cũng phải được nâng cấp để địa phương có thêm điều kiện giao lưu về mọi mặt với các tỉnh bạn. Thấy rõ điều này, bộ Giao thông vận tải tiếp tục phê duyệt và giao sở Giao thông vận tải Hòa Bình làm chủ đầu tư dự án nâng cấp hai tuyến quốc lộ 21, 12B, đường 12B qua Hòa Bình và tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2010. Về phía địa phương cần phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để dự án triển khai thuận lợi, bảo đảm tiến độ. Sở dĩ phải nhắc lại điều này vì trong thực tế khi giải phóng mặt tuyến Hồ Chí Minh đoạn qua Hòa Bình hoặc quốc lộ 6 đoạn tránh qua TP Hòa Bình, tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn, ách tắc trong việc GPMB làm ảnh hưởng tiến tới độ chung của toàn tuyến. Hiện tỉnh ta cũng đang “vướng” trong khâu GPMB đường Thịnh Lang, tuyến nội thị ở TP Hòa Bình do còn hơn 10 hộ dân chưa giải tỏa được. Vì những hộ dân này có yêu cầu được bố trí ở khu tái định cư có vị  tương ứng, nhưng đến nay cả chủ đầu tư lẫn TP Hòa Bình vẫn chưa tìm được khu tái định cư thích hợp. Do đó công trình bị dở dang phải gia hạn thời gian thi công thêm tám tháng nữa.

 Mặt khác trong khi đấu thầu, chủ đầu tư cần phải chọn được những nhà thầu có đủ năng lực và uy tín để thực hiện dự án có chất lượng. Không nên để xảy ra tình trạng, nhà thầu “bỏ chạy” như ở tuyến đường Dũng Phong - Yên Thượng (Cao Phong). Tình trạng này không chỉ gây thất thoát tài sản của nhà nước mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân về những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào vùng cao ở Hòa Bình ./.