Trong đó, đã triển khai và đưa vào khai thác nhiều dự án giao thông quan trọng như đường Hòa Lạc – Thành phố Hòa Bình, cầu Hòa Bình 3 đã đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả; đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc, đường tỉnh 435, triển khai xây dựng đường kết nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng (Thành phố Hòa Bình), đường kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 12B đi quốc lộ 1; hồ chứa nước Cánh Tạng,…Nhiều tuyến giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị, khu, cụm công nghiệp, hệ thống lưới điện, hạ tầng công nghệ thông tin, nhiều công trình thủy lợi, cấp thoát nước, trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa, thể thao, hạ tầng du lịch đã và đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021 -2025 đạt 9%; đến năm 2025 GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng; thu NSNN đạt 10.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 38%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 8%/năm…Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, trong đó xác định một trong các đột phá chiến lược là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng toàn diện trên các mặt: Hệ thống giao thông, hệ thống điện, hạ tầng khu công nghiệp, kết cấu hạ tầng đô thị, hệ thống thủy lợi….
Tăng cường huy động mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; trong đó tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, cấp thiết, vốn đối ứng, xây dựng cơ bản; không để xảy ra tình trạng phân bổ vốn dàn trải; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Xây dựng danh mục dự án hạ tầng ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 để tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, huy động và phân bổ nguồn vốn đầu tư. Tăng cường quản lý, phân cấp quản lý đầu tư; thực hiện hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng các công trình. Lựa chọn một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có khả năng thu hồi vốn để thu hút các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài theo hình thức đối tác công tư; tập trung vốn ngân sách tỉnh để bố trí nguồn vốn đối ứng cho các dự án đầu tư theo hình thức PPP, dự án ODA và ưu tiên cân đối nguồn vốn để tạo quỹ đất sạch, nhằm tăng cường thu hút đầu tư.
Trọng tâm về giao thông, tập trung triển khai thực hiện Đề án hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2025. Tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội như các Quốc lộ, các tỉnh lộ quan trọng có tính đối ngoại, đường đô thị, đường trục chính, đường vào các khu, cụm công nghiệp, qua các vùng động lực kinh tế của tỉnh, đường kết nối với khu du lịch quốc gia vùng hồ Sông Đà. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án công trình giao thông trọng điểm để từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch như: Cầu Hòa Bình 2, cầu Hòa Bình 4, Cầu Hòa Bình 5, dự án kết nối giao thông và thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia, dự án phát triển đô thị xanh thích ứng với chống biến đổi khí hậu thị trấn Kỳ Sơn (nay là thành phố Hòa Bình), các trục giao thông kết nối ngang giữa đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 12B và quốc lộ số 6, các tuyến đường tránh qua các thị trấn, thành phố, các trục trung tâm của đô thị thành phố Hòa Bình và các thị trấn trong tỉnh... đồng thời tranh thủ các nguồn ngân sách và hỗ trợ từ Trung ương, phát huy nội lực địa phương đầu tư các công trình trọng điểm như: Đầu tư hoàn chỉnh (giai đoạn 2) đường cao tốc Hòa Lạc - Thành phố Hòa Bình, đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) (ĐT.448B); cải tạo Quốc lộ 70, quốc lộ 15, quốc lộ 21, đường vành đai 5... đoạn qua tỉnh Hòa Bình. Phấn đấu đến năm 2025, hệ thống quốc lộ, đường tỉnh từng bước đưa vào cấp kỹ thuật theo quy định hiện hành (quốc lộ cơ bản đạt cấp III; đường tỉnh cơ bản đạt cấp IV); giao thông đô thị phát triển theo hướng hiện đại, đường huyện đạt tối thiểu cấp V, đường xã đạt tối thiểu cấp VI, cứng hóa đường tới 100% thôn bản. Phát huy mạnh mẽ phong trào làm đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn giao thông vùng cao, vùng xa. Phát triển hệ thống đường thủy nội địa góp phần giảm tải cho đường bộ; đồng thời phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển du lịch trong vùng.
Đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp có lợi thế giao thông đối ngoại, thuận lợi trong thu hút đầu tư; trong đó ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp Mông Hóa, Yên Quang, Nhuận Trạch, Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh và Thanh Hà, các cụm công nghiệp Tiên Tiến, Đồng Tiến, Đồng Tâm...; rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp theo hướng mở rộng khu công nghiệp Lạc Thịnh lên khoảng 1.000 ha, nghiên cứu, bổ sung mới vào quy hoạch một số khu công nghiệp tại các địa bàn huyện Lạc Thủy, Yên Thủy. Phát triển cụm công nghiệp ở vùng nông thôn thu hút lao động tại chỗ, giảm số lao động tập trung về thành phố: CCN Phong Phú (Tân Lạc), CCN Khoang U (Lạc Sơn), CCN xóm Rụt Lương Sơn... Huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình tiện ích xã hội phục vụ nhu cầu công nhân, cán bộ tại các KCN.
Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị, phát triển nhanh vùng động lực. Huy động các nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách để phấn đấu đến năm 2025, nâng cấp đô thị đô thị thành phố Hòa Bình đạt tiêu chí loại II, huyện Lương Sơn cơ bản đạt các tiêu chí cấp hành chính thị xã Lương Sơn, thị trấn Mai Châu và các xã phụ cận đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Mãn Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành lập thị trấn Phong Phú đô thị loại V, các thị trấn được mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại V.
Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, hoàn thiện hệ thống điện lưới, nước sạch, hệ thống trường lớp học, chú trọng tạo nền tảng phát triển mạng lưới bưu chính theo hướng hạ tầng chuyển - phát và logistics để phát triển thương mại điện tử và kinh tế số; từng bước xây dựng hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số quốc gia để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Bám sát các định hướng phát triển của Trung ương để đầu tư hạ tầng nông, lâm nghiệp, thủy sản theo định hướng tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích hộ nông dân đầu tư phát triển trang trại, gia trại để tăng quy mô sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến và tiêu thụ; phát triển nông nghiệp xanh, hình thành một số khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao để làm cơ sở nhân rộng, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.../.