Theo đó, trường hợp thực hiện huy động khi xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Công an tỉnh. Hoạt động huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được tiến hành khẩn trương, kịp thời theo phương châm “Bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm điều hành, chỉ huy công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ban đầu; đồng thời báo cáo lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp và báo ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp qua số điện thoại 114 để kịp thời chi viện, ứng cứu. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi nhận được lệnh huy động phải nhanh chóng huy động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đồng thời khi tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường. Khi tiến hành các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện tham gia thực hiện nhiệm vụ và nạn nhân, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Các lực lượng được huy động tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là Công an tỉnh; Quân đội; lực lượng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; lực lượng phòng cháy và chữa cháy dân phòng tại các khu dân cư từ cấp xã trở lên; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đang hoạt động và sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Phương tiện được huy động để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới (Xe chữa cháy, xe cứu hộ, máy bơm chữa cháy); phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thông dụng (Bình chữa cháy, lăng chữa cháy, vòi chữa cháy, đầu nối, hai chạc, ba chạc, thang cứu người, dây cứu người, ống tụt, đệm cứu người); phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy và các loại phương tiện chuyên dùng khác.
Người có chức vụ cao nhất chỉ huy đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố là người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong trường hợp lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến thì chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là người đứng đầu đơn vị, cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên, chủ hộ gia đình.
Thủ tục huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được thể hiện bằng lệnh huy động, điều động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy theo quy định. Trong trường hợp khẩn cấp, lệnh huy động, điều động có thể bằng lời nói, nhưng chậm nhất không quá 3 ngày làm việc phải thể hiện lệnh đó bằng văn bản.
Kinh phí thực hiện chế độ đối với người được huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy được lấy từ nguồn Quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm xã hội, ngân sách Nhà nước và từ đơn vị quản lý trực tiếp. Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong trường hợp phương tiên, tài sản được huy động mà bị mất, bị hư hỏng thì được bồi thưởng theo quy định của pháp luật./.