DetailController

Thời sự trong ngày

Hướng dẫn thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung

07/07/2022 00:00
Để việc triển khai thực hiện mua sắm tài sản theo phương thức tập trung cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn hiện hành của nhà nước; đồng thời, giúp cho công tác mua sắm tài sản công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được thực hiện thống nhất, đồng bộ, ngày 04/7/2022, Sở Tài chính đã có Công văn số 1941/STC-QLG&CS về việc hướng dẫn thực hiện việc mua sắm tài sản theo phương thức tập trung.

Theo Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 29/6/2022, các đơn vị thực hiện mua sắm tài sản tập trung gồm có: Sở Thông tin Truyền thông tỉnh thực hiện mua sắm tập trung đối với các tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 1 Quyết định này của các cơ quan, đơn vị khối tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện mua sắm tập trung đối với các tài
sản thuộc danh mục mua sắm tập trung quy định tại Điểm a và b Khoản 1 Điều
1; Sở Y tế thực hiện mua sắm tập trung đối với các tài sản thuộc danh
mục mua sắm tập trung quy định tại Điểm a, c Khoản 1 Điều 1; Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thực hiện mua sắm tập trung đối với các tài sản thuộc danh mục mua sắmtập trung quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 1.

Phạm vi áp dụng là các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu và đủ điều kiện được mua sắm tài sản thuộc Danh mục tài sản mua sắm tập trung của tỉnh Hòa Bình ban hành kèm theo Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 29/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Nguồn kinh phí thực hiện mua sắm tập trung gồm: Kinh phí được cơ quan, người có thẩm quyền giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Nguồn công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; Nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách nhà nước mà nhà tài trợ không có yêu cầu mua sắm khác với quy định tại Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 29/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình; Nguồn kinh phí từ quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập trong trường hợp mua sắm trang thiết bị y tế.

Các cơ quan, đơn vị, tồ chức trực tiếp sử dụng tài sản công căn cứ tiêu chuẩn, định mức, dự toán mua sắm tài sản được cấp có thẩm quyền giao, nhu cầu và hiện trạng sử dụng tài sản để đề xuất nhu cầu mua sắm tài sản; có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tài sản tập trung gửi cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp gửi Sở Thông tin và Truyền Thông, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyên, thành phố trước ngày 31 tháng 01 hàng năm, để đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung thực hiện theo quy định.

Hồ sơ, tài liệu đăng ký mua sắm tập trung gồm: Văn bản đề nghị mua sắm của cơ quan, tổ chức, đơn vị đăng ký; Biểu chi tiết đề nghị đăng ký mua sắm tập trung; Bảng tổng hợp nhu cầu đăng ký mua sắm tập trung; Kế hoạch hoặc dự toán mua sắm được cấp có thẩm quyền giao.

Trường hợp nếu quá thời hạn quy định trên mà cơ quan, tổ chức, đơn vị và đầu mối đăng ký mua sắm tập trung không gửi văn bản đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung về đơn vị mua sắm tập trung thì coi như cơ quan, tổ chức, đơn vị đó, không có nhu cầu mua sắm tài sản đã được giao dự toán mua sắm thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung và không được phép mua sắm tài sản đó. Đối với các trường hợp phát sinh nhu cầu mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung ngoài dự toán được giao đầu năm và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự toán mua sắm, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có văn bản gửi đơn vị thực hiện mua sắm tập trung tại Điều 2 Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 29/6/2022 để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp xem xét quyết định giao đơn vị mua sắm tập trung căn cứ thỏa thuận khung đã được ký kết (nếu có) theo quy định của pháp luật về đấu thầu để áp dụng hình thức mua sắm phù hợp hoặc giao cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm tài sản tổ chức thực hiện mua sắm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế sử dụng tài sản.

Sở Tài chính cũng hướng dẫn cụ thể việc thực hiện mua sắm tập trung bao gồm: Lập kế hoạch đấu thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản; Mua sắm tập trung theo cách thức ký thoả thuận khung; Ký kết hợp đồng mua sắm tài sản; Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản.

Về thanh toán tiền mua sắm tài sản, trường hợp mua sắm tập trung theo cách thỏa thuận khung, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản có trách nhiệm thanh toán tiền mua tài sản cho nhà thầu được lựa chọn. Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp, việc thanh toán cho nhà thầu cung cấp tài sản thông qua hai hình thức: Đơn vị mua sắm tập trung đề nghị cơ quan quản lý chương trình, dự án chuyển tiền thanh toán cho nhà thầu cung cấp tài sản; Đơn vị mua sắm tập trung đề nghị cơ quan quản lý chương trình, dự án chuyển tiền cho đơn vị mua sắm tập trung để thanh toán cho nhà thầu. Việc thanh toán tiền mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận khung và hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu được lựa chọn.

Quản lý thu, chi liên quan đến mua sắm tập trung thực hiện theo quy định tại Điều 83 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ và các văn bản hiện hành của pháp luật có liên quan./.