Theo đó, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo và thực hiện việc lưu trữ đầy đủ các văn bản chỉ đạo về công tác y tế. Kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh trong nhà trường ngay từ đầu năm học, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên; xây dựng kế hoạch hoạt động y tế trong năm học, từng tháng, tuần và tổ chức thực hiện các hoạt động đạt hiệu quả, lưu hồ sơ theo từng loại, có đầy đủ các loại hồ sơ theo quy định. Quan tâm tham mưu đầu tư, xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất: phòng y tế, bếp ăn, căng tin, công trình nước sạch, nhà vệ sinh theo quy định; đảm bảo danh mục trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu; vệ sinh môi trường, vệ sinh trường học, phòng học, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thư viện, thiết bị, ánh sáng, xử lý rác... Phối hợp với cơ sở y tế địa phương tổ chức các hoạt động phòng chống dịch, bệnh trong trường học (phòng chống dịch Covid-19, cúm A H1N1, cúm A H5N1, vi rút cúm gia cầm A/H7N9, vi rút Zika, tay - chân - miệng, nha học đường, cong vẹo cột sống, cận thị, lao, sốt rét, sốt xuất huyết, giun sán ...). Tăng cường các biện pháp tuyên truyền phòng, chống bệnh dại cho học sinh, có kế hoạch triển khai quy định về vệ sinh phòng chống bệnh truyền nhiễm và phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời khi có dịch xảy ra, báo cáo kịp thời khi có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm xảy ra trong trường học với các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tổ chức và tham gia các hội nghị, tập huấn, trao đổi học tập kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác y tế trường học. Tổ chức thực hiện các quy định về vệ sinh trường học, nước sạch - vệ sinh môi trường, đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng tránh tai nạn thương tích; phòng chống ma túy; tác hại của thuốc lá, rượu bia; giảm nhẹ thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu; xây dựng trường học nâng cao sức khỏe, đảm bảo môi trường nhà trường xanh, sạch, đẹp. Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe học sinh về vệ sinh cá nhân, vệ sinh bảo vệ môi trường, phòng chống một số dịch bệnh, bệnh tật học đường, sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, tai nạn thương tích, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, kỹ năng sống và hành vi lối sống có hại cho sức khỏe. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, thực hiện “Trường học không thuốc lá”; nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thảo, viết tin bài, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa, cuộc thi, góc tuyên truyền, bảng tin, băng rôn, khẩu hiệu, tranh áp phích, tờ gấp, băng đĩa hình.... Các đơn vị, trường học phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tổ chức rà soát học sinh sinh viên chưa tham gia BHYT để tiếp tục tuyên truyền, vận động tham gia, trong đó chú trọng tuyên truyền đến các đơn vị, trường học tại các xã không còn thuộc vùng kinh tế xã hội khó khăn, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% học sinh sinh viên của đơn vị tham gia BHYT trong năm học 2022-2023.
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng trong các đơn vị, trường học. Phối hợp với Trạm y tế địa phương ký hợp đồng trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho học sinh (đối với những trường không đảm bảo đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh theo quy định). Các nhà trường chủ động tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh vào đầu năm học, mỗi học sinh đều phải có sổ khám sức khỏe và được theo dõi sức khỏe thường xuyên tại trường học. Thống kê số liệu phân loại sức khỏe và theo dõi bệnh tật của học sinh sau khi khám sức khỏe. Căn cứ tình hình thực tế, các đơn vị, trường học xây dựng dự toán, tham mưu các cấp bố trí ngân sách tổ chức các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực truyền thông giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng chống dịch bệnh, phòng chống tai nạn thương tích, giữ gìn vệ sinh, nước sạch và vệ sinh môi trường, an toàn trường học... góp phần thực hiện hiệu quả công tác y tế trong các nhà trường. Thiết lập hồ sơ công tác y tế theo quy định./.