Thực hiện Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 15/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, trong năm 2023, ở miền Bắc, thời tiết nắng nóng sẽ diễn ra từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 8, thời gian nắng nóng kéo dài, nhiệt độ giao động 370C – 380C. Nhiệt độ ở mức cao có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của động vật thủy sản hoặc gián tiếp thông qua quá trình lý hóa của thủy vực. Nhiệt độ cao hoặc giao động lớn sẽ gây sốc, giảm sức đề kháng của động vật thủy sản, tăng sự mẫn cảm với các tác nhân gây mầm bệnh, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống. Nhiệt độ nước cao còn là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển. Để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất tác động của thời tiết nắng nóng đến hiệu quả sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản áp dụng một số biện pháp sau đây để ổn định môi trường ao/lồng nuôi và hạn chế tác động xấu đến sản xuất thủy sản.
Đối với ao nuôi: Duy trì mực nước trong ao trên 1,5 m để hạn chế sự biến động nhiệt độ, pH nước trong ao nuôi.
Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Khi đánh bắt và vận chuyển cá phải tiến hành vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
Sử dụng máy bơm nước trong những ngày nắng nóng để tránh hiện tượng phân tầng nước. đặc biệt trong khoảng thời gian từ 2h đêm đến 4h sáng để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong ao, tránh việc thiếu oxy vào ban đêm và sáng sớm do tảo phát triển mạnh khi nắng nóng kéo dài.
Bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá với liều lượng 3g/kg thức ăn, đồng thời phòng bệnh cho cá bằng cách cho vôi bột vào túi vải, treo ở các điểm cho ăn mỗi túi 3 – 4 kg vôi, độ sâu treo túi vôi bằng 1/3 độ sâu mực nước trong ao nuôi.
Cho cá ăn vào sáng sớm và chiều mát. Khi nhiệt độ nước trên 350C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường. Ngừng cho cá ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 390C – 400C.
Đối với cá nuôi lồng trên sông/hồ: Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn trong lồng.
Khi mực nước trên sông/hồ giảm, cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di duyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu để đảm bảo độ sâu lồng nuôi luôn ở mức 2,5 – 3,0 m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao.
Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi vào thức ăn cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát (buổi sáng cho ăn nhiều hơn buổi chiều) để cá nuôi có thể sử dụng thức ăn hiệu quả nhất. Khi nhiệt độ nước trên 35 độ thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường. Ngừng cho cá ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 390C – 400C.
Tiến hành thu tỉa khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch để giảm mật độ nuôi trong lồng. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.