Hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 15 về hành chính công (nội dung tiêu chí 15.1, 15.2, 15.3) thuộc Bộ tiêu chí xã Đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 như sau:
Tiêu chí số 15.1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính
Bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn để viết, máy scan phục vụ số hóa hồ sơ, tài liệu; máy photocopy; máy in; máy tính có kết nối mạng cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; lắp đặt camera theo dõi toàn bộ khu vực làm việc của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả có kết nối với cơ quan nhà nước cấp trên và trong toàn hệ thống; máy lấy số xếp hàng tự động kết nối tới Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; màn hình cảm ứng phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, TTHC, tra cứu kết quả giải quyết TTHC, đánh giá mức độ hài lòng theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
100% công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã được bố trí máy vi tính để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
100% công chức Tư pháp – Hộ tịch làm việc tại Bộ phận Một cửa cấp xã được cấp chữ ký số cá nhân.
Cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính của năm liền kề trước năm xét công nhận đạt tối thiểu 5%/tổng số hồ sơ chứng thực.
Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo công tác kiểm soát thủ tục hành chính định kỳ trên Hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ.
Tiêu chí số 15.2. Có dịch vụ công trực tuyến một phần (mức độ 3) trở lên:
Tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (mức độ 3) và dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt từ 50% trở lên trên tổng số thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến có phát sinh hồ sơ.
Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến một phần và giải quyết trực tuyến toàn trình đạt từ 50% trở lên trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến.
Tỷ lệ thanh toán trực tuyến các thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên trên tổng số giao dịch thanh toán.
Tiêu chí số 15.3. Giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định và không để xảy ra khiếu nại vượt cấp:
Công khai 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết và các nội dung hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính.
100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được tổ chức tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng quy trình nội bộ theo dõi việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 Chính phủ quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Đã tổ chức thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đáp ứng mục tiêu số hóa đối với cấp xã được giao tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 2 mục III Điều 1 về cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 (cụ thể: Năm 2021, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 15%; giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm tăng tối thiểu 20% cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử).
Trong 03 (ba) năm liên tục liền kề trước năm xét công nhận, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của xã được giải quyết đúng hoặc sớm hạn đạt tối thiểu từ 98% trở lên đối với hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và 95% trở lên đối với hồ sơ thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông tại bước tiếp nhận, xử lý ở cấp xã; các hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết quá hạn phải thực hiện xin lỗi theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ; không có kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải sửa đổi, bổ sung do lỗi của cơ quan nhà nước hoặc bị phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện; không có ý kiến phản ánh, kiến nghị về hành vi, thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định pháp luật trong giải quyết thủ tục hành chính, trừ trường hợp phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, kết luận là không đúng hoặc vu cáo.
Chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của năm liền kề trước năm xét công nhận và tại thời điểm xét công nhận theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ được xếp tối thiểu từ loại tốt trở lên.
Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt mục tiêu được giao tại khoản 2 mục III Điều 1 về cải cách thủ tục hành chính của Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ./.