Theo đó, vùng trồng là một vùng sản xuất một hoặc nhiều loài cây trồng, có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm sản xuất được kiểm soát chung bởi một tiêu chuẩn hoặc quy trình sản xuất cho mỗi loài cây trồng hoặc nhóm cây trồng.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.
Các yêu cầu của vùng trồng, quy mô tối thiểu đối với cây trồng lâu năm là 01 ha; Cây hằng năm là 0,1 ha.
Vùng trồng đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12. Có đầy đủ thông tin theo mẫu số 01 Phụ lục 1 và cập nhật theo vụ/chu kỳ thu hoạch các thông tin về truy xuất nguồn gốc (Phụ lục 2), đối tượng cây trồng, tên giống cây trồng, diện tích, tiêu chuẩn (quy trình) áp dụng, sản lượng dự kiến, thời gian dự kiến thu hoạch, thị trường dự kiến tiêu thụ (vào đầu vụ/chu kỳ thu hoạch) và sản lượng chính thức khi kết thúc thu hoạch, sau khi đã được cấp mã số vùng trồng.
Cơ quan cấp, quản lý mã số vùng trồng: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Các bước cấp/cấp lại mã số vùng trồng:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân (gọi tắt là cơ sở) nhập thông tin đăng ký lên hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu hoặc gửi giấy đăng ký và các giấy tờ kèm theo theo mẫu số 01 Phụ lục 1 đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
Đối với hình thức đăng ký trực tuyến: Các tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng truy cập vào địa chỉ https://csdltrongtrot.mard.gov.vn sau đó nhập thông tin đầy đủ theo hướng dẫn trên hệ thống.
Đối với hình thức đăng ký trực tiếp: Các tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng nộp hồ sơ trực tiếp tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật theo hướng dẫn.
Bước 2: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế mức độ đáp ứng theo yêu cầu của mục 3.1 đối với các thông tin đã cung cấp theo mẫu số 01 Phụ lục 1.
Không thực hiện kiểm tra thực tế đối với các trường hợp vùng trồng đã được cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 hoặc được chứng nhận một trong các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt như: VietGAP, 4C, Rainforest Alliance, GlobalG.A.P, ASIAGAP, ASEANGAP..., tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn sản xuất bền vững và đáp ứng yêu cầu của điểm a, c mục 3.1
Thực hiện kiểm tra thực tế tại vùng trồng đăng ký với các trường hợp còn lại: theo mẫu 02 Phụ lục 1.
Bước 3: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp Giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng cho vùng trồng đạt yêu cầu theo quy định.
Đình chỉ sử dụng mã số vùng trồng một trong các trường hợp sau: Không ghi chép, lưu trữ hồ sơ về truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Phụ lục 2 và không cập nhật thường xuyên các thông tin theo quy định tại điểm c mục 3.1; Không đáp ứng yêu cầu tại thời điểm giám sát định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất; kết quả giám sát có một trong số các thông tin không đúng theo thông tin đã cung cấp tại mẫu số 01 Phụ lục 1.
Hủy mã số vùng trồng một trong các trường hợp sau: Theo đề nghị của cơ sở về việc không sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp; Cơ sở không có biện pháp khắc phục hiệu quả đối với các trường hợp bị đình chỉ sử dụng mã số nêu trên trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bị đình chỉ. Vùng trồng đã được cấp mã số chuyển đổi loại cây trồng hoặc mục đích sử dụng so với đăng ký ban đầu hoặc khi hậu kiểm không đáp ứng các yêu cầu theo quy định đối với trường hợp phải kiểm tra thực tế tại vùng trồng đăng ký khi cấp mã số vùng trồng quy định tại Bước 2. Sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp cho các sản phẩm không thuộc đối tượng cây trồng đăng ký, không được sản xuất tại vùng trồng đăng ký./.