DetailController

Thời sự trong ngày

Hướng dẫn áp dụng một số giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quả có múi

04/05/2023 17:00
Ngày 4/5/2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh) ban hành Công văn số 165/TTBCTV-NVCM gửi Phòng NN&PTNT các huyện; Phòng Kinh tế thành phố; Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố; Các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cây ăn quả có múi hướng dẫn áp dụng một số giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quả có múi.
Áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật để giảm tối thiểu tình trạng rụng quả và cho chất lượng quả cao nhất trên cây có múi

Hiện nay, cây ăn quả có múi đã kết thúc rụng sinh lý, đang vào giai đoạn phát triển mạnh về kích thước quả. Đây cũng là thời điểm phát sinh nhiều đối tượng sinh vật hại nguy hiểm như: nhện đỏ, nhện rám vàng, ruồi vàng, ngài hút quả, bệnh đốm nâu, xì mù, hiện tượng nứt quả, xốp quả...Vì vậy, việc tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cần được ưu tiên tối đa từ nay đến giai đoạn cận thu hoạch. Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng quả có múi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hoà Bình đề nghị các cơ quan chuyên môn cấp huyện; các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cây ăn quả có múi tập trung triển khai, hướng dẫn người sản xuất thực hiện đồng bộ những giải pháp kỹ thuật sau đây:

Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã nêu tại Công văn số 24/TTBVTV-NVCM ngày 16 tháng 01 năm 2023 về việc hướng dẫn biện pháp phòng trừ một số sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây ăn quả có múi.

Biện pháp giảm rụng quả sinh lý (quả rụng không cuống): Chủ động nước tưới thường xuyên, tránh hiện tượng "sốc nước" đầu mùa mưa. Luôn giữ ẩm đất tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển tốt, lá quang hợp mạnh giúp cây tích lũy được nhiều dinh dưỡng để nuôi quả.

Hạn chế bón đạm, bổ sung lượng phân Kali trước khi ra lộc hè, bổ sung phân bón qua lá có thành phần GA3, NAA...

Có thể tiến hành khoanh mịn để hạn chế rụng quả trong điều kiện cây sinh trưởng sinh dưỡng mạnh, điều kiện ẩm độ cao.

Biện pháp tăng độ ngọt quả có múi và hạn chế việc xốp quả (quả cồ): Hạn chế bón thúc bằng phân đạm vô cơ, thay thế bằng phân đạm hữu cơ từ thực vật, động vật như phân cá, khô dầu lạc, khô dầu đậu tương (quy đổi lượng đạm trong phân cá, khô dầu lạc, đậu tương theo định mức quy trình bón đạm vô cơ).

Hạn chế việc sử dụng Kali đỏ (Kali clorua), thay thế bằng Kali trắng (Kali sunphat) hay phân bón Munty K.

Tưới hoặc phun phân sinh học (chứa Humic và Fulvic) 1 lần/tháng.

Không sử dụng phân bón lá có đạm (đặc biệt đạm vô cơ), nếu cần sử dụng phân bón lá chỉ dùng để bổ sung vi lượng và Kali.

Kết thúc bón thúc đạm sớm (trước 2/9 dương lịch), sau giai đoạn đó chỉ bón phân sinh học hay 1 đợt phân kali vào đầu tháng 10 dương lịch. Riêng với những giống chín muộn như cam canh, cam V2 kết thúc bón thúc đạm trong tháng 10./.