DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Họp trực tuyến đánh giá tình hình thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh

11/09/2024 16:46
Ngày 11/9, Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức Họp trực tuyến với các huyện, thành phố đánh giá tình hình thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ dự và chủ trì hội nghị. Tham dự có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; Huyện uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ xã, phường, thị trấn.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của mưa lớn, dông lốc do bão số 3 gây ra, từ 19h00 ngày 06/9/2024 đến 15h00’ ngày 10/9/2024 trên địa bàn tỉnh, đã có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa từ các trạm đo mưa tự động đo được lớn nhất đạt 618 mm, đến thời điểm báo cáo, tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.Ngay sau khi có thông tin về bão số 3 xuất hiện trên biển, các cơ quan thường trực về công tác phòng chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, đng thời thường xuyên đôn đốc các địa phương sẵn sàng ứng phó với mưa lớn và bão số 3 có thể ảnh hưởng đến tỉnh Hòa Bình. Ban hành các văn bản, Công điện để chỉ đạo các Sở, ban ngành và địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3, đảm bảo an toàn hạ du khi mở 02 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương có liên quan để sẵn sàng triển khai ứng phó khi bão đổ bộ. Thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc triển khai ứng phó với cơn bão số 3 tại các địa phương và trọng điểm phòng, chống thiên tai. Các Sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đã triển khai các biện pháp chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, dông lốc, sét gây thiệt hại tại các địa phương, tính đến 15h00’ ngày 10/9/2024 đã có 05 người chết và 01 người bị thương trong một hộ gia đình do bị sạt lở, vùi lấp đất tại xóm Chầm, Tân Minh, huyện Đà Bắc và 1 người tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn. Hiện tại có 1.765 hộ đã sơ tán; 955 hộ/nhà bị ảnh hưởng; tổng diện tích bị thiệt hại là 6.728,6ha (lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây hàng năm và lâu năm ...); 16 điểm trường bị ảnh hưởng. Đối với tuyến đường địa phương quản lý có 220 điểm bị sạt lở, sụt lún; 03 cơ sở y tế, 8 điểm văn hoá bị thiệt hại; 34 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, hư hỏng; 828 cây xanh bị gãy, đổ và nhiều thiệt hại khác. Tuy bị ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài do cơn bão số 3 gây ra, xong qua thống kê sơ bộ về cơ bản, 100% hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn và thực hiện chảy tràn.

Nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, các lực lượng xung kích tại cơ sở tham gia ứng phó thiên tai, giúp người dân sơ tán, khôi phục nhà cửa…, đồng thời trực 24/24h tại 151/151 xã, phường, thị trấn và 8.899 thành viên tham gia; các lực lượng Công an, Quân đội từ tỉnh đến xã trực, ứng phó thiên tai và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả với 100% quân số. Các địa phương hiện tại đang tập trung khắc phục các thiệt hại, tiếp tục ở tại nơi sơ tán đối với khu vực vẫn có nguy cơ sạt lở, hỗ trợ tu sửa nhà cửa, dọn dẹp cây gãy đổ, thống kê thiệt hại đợt thiên tai theo quy định. Đến thời điểm hiện tại còn mưa nhỏ tại một số nơi, các địa phương đã chuyển một số hộ dân có nguy cơ thấp về sạt lở, ngập lụt trở lại nhà để ở. Thực hiện các thủ tục mai táng, hỗ trợ cho người tử vong; chăm sóc, cứu chữa cho người bị thương. Sửa chữa các nhà cửa hư hỏng, tốc mái; rà soát đánh giá mức độ an toàn của các khu vực sinh sống để đưa người dân đang đi sơ tán về để ổn định cuộc sống và sinh hoạt. Dọn dẹp các trường học, cơ sở giáo dục, chuẩn bị điều kiện an toàn để học sinh tiếp tục đến trường. Về cơ bản cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, các tuyến đường điện… đã được khôi phục bước đầu để đảm bảo không có khu vực nào bị cô lập hoặc mất liên lạc. Sở Nông nghiệp và PTNT đã cử các đơn vị chuyên môn thuộc Sở xuống các địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn hồ đập, đê kè, hệ thống công trình thủy lợi; hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản phục hồi sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo ổn định sản xuất nông lâm nghiệp cho người dân trên địa bàn tỉnh…

Tại hội nghị, các địa phương đã báo cáo cụ thể tình hình thiệt hại tại các địa phương và đề xuất, kiến nghị các giải pháp tập trung khắc phục hậu quả sau mưa lũ, sạt lở đất…

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh uỷ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong ứng phó với cơn bão số 3; sự hỗ trợ của toàn thể Nhân dân góp phần giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra. Đồng chí Bí thư cũng chỉ ra các kinh nghiệm được rút ra: Cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương trong phòng chống cơn bão; theo sát tình hình diễn biến và thông tin kịp thời về cơn bão, kịp thời xử lý thông tin chưa chính xác; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho thành viên BCĐ; vận động, thuyết phục, tạo sự đồng thuận trong nhân dân;  vận dụng có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ. Nhiệm vụ thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục bám sát tình tình cơ sở; quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về liên quan đến phòng, chống thiên tai, bão lũ và khắc phục hậu quả sau thiên tai; không chủ quan, lơ là. Tiếp tục khẩn trương di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sạt lở, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người. Tổ chức ra quân, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho Nhân dân. Tập trung phương tiện, máy móc, khắc phục thông đường, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất. Tổ chức tiếp nhận hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân kịp thời, đúng quy định…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chủ động xuống cơ sở, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; các sở, ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu, xây dựng ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng thiệt hại trong thiên tai, bão lũ. Nghiên cứu, xây dựng Đề án di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có thiên tai; quy định về cải tạo chỗ ở; nâng cấp hồ đập; nâng cấp đường giao thông đáp ứng công tác phòng, chống bão lũ; tư vấn, thiết kế nhà chống bão, chống lũ. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phát động hội viên, đoàn viên tuyên truyền, vận động, hỗ trợ Nhân dân dọn dẹp vệ sinh, nhà cửa, khắc phục hậu quả sau thiên tai; tổ chức các đoàn công tác động viên, thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình bị thiệt hại, ảnh hưởng…/.