DetailController

Giáo dục

Họp Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển năm 2013

28/05/2013 00:00
Ngày 28/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị về công tác cử tuyển năm 2013. Dự hội nghị có thành viên Hội đồng cử tuyển của tỉnh, lãnh đạo UBND 10 huyện. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển của tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển của tỉnh phát biểu tại hội nghị

 Theo báo cáo của Sở Giáo dục & Đào tạo từ năm 2007 – 2012 đã có 234 học sinh của tỉnh được cử đi học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Việc phân bổ chỉ tiêu cử tuyển được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm sự công bằng cho các huyện trong tỉnh, chú ý đến nhu cầu đào tạo cán bộ của các huyện, sở, ngành; có ưu tiên nhất định cho những vùng đặc biệt khó khăn. Quyết định phân bổ chỉ tiêu được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các chế độ, chính sách đối với học sinh bao gồm học bổng chính sách, trợ cấp tiền ăn, ở, đi lại, mua sách vở học tập, bảo hiểm y tế được cử đi học được tỉnh thực hiện đầy đủ.

 

Tại  buổi làm việc, lãnh đạo UBND các huyện, thành viên Hội đồng cử tuyển của tỉnh đã phát biểu làm rõ những khó khăn, bất cập trong công tác cử tuyển của tỉnh Hòa Bình những năm qua. Được biết, từ năm 2005 – 2012, tỉnh chi trên 15 tỷ đồng cho công tác cử tuyển. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, số sinh viên cử tuyển có việc làm ngay tại địa phương rất thấp, bên cạnh đó còn một số sinh viên học lực kém, bỏ học. Nguyên nhân của thực trạng này là do từ năm 2009 trở về trước, tỉnh chưa có chính sách cụ thể đối với việc sử dụng sinh viên cử tuyển; phần nữa do nhu cầu sử dụng lao động thay đổi, việc sử dụng lao động và việc cử người đi học chưa phù hợp. Nhân lực một số ngành học không trở về địa phương công tác, và không muốn về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Các đại biểu đề nghị ngay trong thời gian tới, tỉnh cần thực hiện rà soát và cử đúng đối tượng đi học. Bên cạnh việc thực hiện chính sách và hỗ trợ cho sinh viên cử tuyển thì cũng cần nghiêm túc yêu cầu các sinh viên diện cử tuyển nếu không trở về địa phương công tác thì phải có bồi hòan cho tỉnh theo Nghị định 134 năm 2006 của Chính phủ quy định về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong việc sử dụng nhân lực sau cử tuyển, các huyện cần vận dụng linh hoạt, bố trí sinh viên về công tác tại đúng xã nơi cử sinh viên đi học, nếu phù hợp chuyển lên tuyến huyện, ban, ngành của tỉnh. Bên cạnh đó cần bố trí nhiệm vụ công tác phù hợp với ngành học của sinh viên.

 

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bùi Văn Cửu khẳng định, tỉnh Hòa Bình luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng thất học, chính sách học tập được bảo đảm công bằng. Tuy nhiên, công tác cử tuyển cần có điều chỉnh, vận dụng, thay đổi cho phù hợp với từng thời điểm. Thống nhất phối hợp từ huyện tới tỉnh phải chặt chẽ hơn nữa. Giữa việc cử đi học và tuyển dụng còn nhiều bất cập. Năm 2013, tỉnh Hòa Bình được Bộ GD&ĐT giao 50 chỉ tiêu cử tuyển. Đến thời điểm này, theo thống kê số lượng đăng ký cử tuyển của các huyện, sở có tổng số 126 chỉ tiêu, trong đó ngành y – dược là 34 chỉ tiêu; ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ là 52 chỉ tiêu; ngành khoa học xã hội và nhân vân là 21 chỉ tiêu; Kỹ thuật nông nghiệp 15 chỉ tiêu; kinh tế- tài chính 4 chỉ tiêu. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển của tỉnh chỉ đạo các huyện, sở, ngành thực hiện rà soát lại kỹ các chỉ tiêu đề xuất, các chỉ tiêu từng ngành có thể giảm hoặc tăng tùy theo nhu cầu sử dụng nhân lực của địa phương. Số lượng chỉ tiêu cử đi học được thống nhất phải bảo đảm công bằng và phù hợp với thực tiễn sử dụng nhân lực, trước mắt ưu tiên cho ngành y- dược, đặc biệt quan tâm tới nhân lực y tế, y tế tuyến huyện, y tế thôn, bản. Các địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát và có báo cáo kết quả cụ thể tới Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển của tỉnh để thống nhất và nộp về Bộ GD&ĐT trước ngày 31/5/2013. Từ năm 2014, công tác chuẩn bị về đề xuất chỉ tiêu và họp bàn thống nhất phải được chuẩn bị sớm ngay từ đầu năm để bảo đảm đủ chất và lượng./.