Ngày 26/10, tại Hòa Bình, Vụ giáo dục thường xuyên (Bộ GD &ĐT) đã tổ chức Hội thảo về nhiệm vụ và giải pháp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020. Tham dự Hội thảo có đại diện sở GD &ĐT của 7 tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang, Nam Định, Hải Dương, Sơn La, Thái Bình và Hà Tình.
Tiếp theo đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020” sẽ tiếp tục được triển khai, tập trung chủ yếu vào phát triển giáo dục thường xuyên. Mục tiêu chung của Đề án nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và các điều kiện giúp mọi người ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời góp phần nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung của Đề án (dự thảo). Ngoài mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, các giải pháp đã có những gợi mở và khá phù hợp với điều kiện của nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc. Đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về xây dựng xã hội học tập; mở rộng quy mô giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên; đổi mới quản lý giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức học tập khác trong GDTX; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể, các địa phương, người học; tăng cường công tác xã hội hóa, đẩy mạnh hợp tác quốc tế…
Đối với Hòa Bình, nhiều năm qua, chất lượng xây dựng xã hội học tập từng bước được nâng lên. Hiện nay, 100% Trung tâm GDTX, Trung tâm HTCĐ tỉnh ta hoạt động hiệu quả; các hoạt động khuyến học, khuyến tài được nhân rộng. Bên cạnh các giải pháp khác mang tính tổng thể, tỉnh ta xác định những giải pháp phù hợp như: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của chính quyền, sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể đối với nhiệm vụ phát triển sự nghiệp GD &ĐT, xây dựng xã hội học tập; xây dựng mạng lưới GD &ĐT, đa dạng về loại hình; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… Một số giải pháp cụ thể là: nhân rộng mô hình gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học trên địa bàn tỉnh; nhân rộng mô hình TTHTCĐ đã được nhấn mạnh.