Ngày 17/7/2014, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2014 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử: Hạ tầng thông minh, hành chính hiện đại, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.

Hội thảo do UBND TP, Sở Thông tin & Truyền Thông Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam tổ chức. Hội thảo là diễn đàn uy tín hàng đầu, nơi các nhà lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan ban ngành Chính phủ và các chuyên gia công nghệ có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận về những giải pháp CNTT toàn diện giúp khối Chính phủ nâng cao năng lực vận hành và quản lý Nhà nước.
Được biết, tháng 5 vừa qua, Viện Chính phủ điện tử tại Đại học Waseda Tokyo phối hợp với Học viện Quốc tế CIO (IAC) đã công bố kết quả của cuộc khảo sát xếp hạng chính phủ điện tử năm 2014. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 34 trên 61 quốc gia, tăng 3 bậc so với 2013. Riêng trong khối kinh tế APECcũng như trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 13; còn tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5 chỉ sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Đây là kết quả có được sau khi đánh giá hệ thống Chính phủ điện tử tại các quốc gia trên 9 tiêu chí: Cơ sở hạ tầng mạng; Hiệu quả quản lý; Ứng dụng dịch vụ trực tuyến; Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Giám đốc CNTT trong Chính phủ; Các hoạt động đẩy mạnh Chính phủ điện tử; Hỗ trợ trực tuyến; Chính phủ mở và An ninh mạng.
Trong 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã dành ưu tiên và chủ động thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT-TT tại Việt Nam. Lĩnh vực CNTT-TT đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc gia và được xem là có tiềm năng to lớn góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng cũng như cơ sở hạ tầng, và là một trong những động lực đằng sau sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Theo Báo cáo Bảo mật thông tin của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), trong năm 2013, Việt Nam đứng thứ 81/161 về chỉ số phát triển CNTT-TT (ICT Development Index). So với các nước khác ở Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 4 chỉ sau Malaysia, Brunei và Singapore; đứng thứ 12 trên tổng số 27 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Việc nâng cao hạ tầng CNTT-TT đã góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Việt Nam.
Lộ trình triển khai phát triển dịch vụ công thông minh đã có những bước tiến trong nửa đầu năm 2014, điển hình là việc Công an TP Hà Nội thử nghiệm cấp hộ chiếu online từ tháng 3/2014. Theo thống kê, tỉ lệ hồ sơ đăng ký đã tăng từ 30% tháng đầu tiên lên đến gần 70% trong tháng 6 vừa qua (theo ICT news). Bộ Tài chính cũng vừa bạn hành Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu (CSDL) liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020. Mục tiêu của kế hoạch nhằm hệ thống hóa đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính (TTHC) có liên quan đến giấy tờ công dân, CSDL liên quan đến dân cư trong phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Bộ đồng thời cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hệ thống, quản lý và sử dụng CSDL liên quan đến dân cư, bảo đảm đến năm 2020, TTHC sẽ được giải quyết thông qua khai thác thông tin trực tuyến về công dân trên CSDL quốc gia.
Nhằm chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp giúp xây dựng thành công CPĐT ở Việt Nam, Cisco đã nêu bật vai trò quan trọng của CNTT trong CPĐT tại Hội thảo Quốc gia về chính phủ điện tử 2014 tại Đà Nẵng. Với bài trình bày chủ đề: “Phát triên thành phố thông minh thông qua Internet kết nối vạn vật (The Internet of Everything)”, ông Phan Thanh Sơn, lãnh đạo Cisco Việt Nam hiện nay chia sẻ: “Mạng Internet của Vạn Vật (IoE) đang làm thay đổi phương thức quản lý các quốc gia, thay đổi cách thức tương tác giữa các cơ quan chính phủ và công dân, và Chính phủ điện tử sẽ trở thành xu thế phát triển tương lai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tới năm 2015, hơn 60% dân số thế giới sẽ sinh sống tại các thành phố - và mỗi năm lượng dân tại các thành phố sẽ tăng khoảng 60 triệu người - tạo ra một sức ép khổng lồ lên các nguồn lực phục vụ con người - về cả cơ sở vật chất và công tác quản lý. Việc sử dụng mạng như một cơ sở quan trọng của CNTT thế hệ mới, bao gồm Xã hội (Social), Di động (Mobility), Phân tích, Dữ liệu lớn (Analytics/Big Data) và Mạng Internet của sự vật (IoT) sẽ giúp các cơ quan chính phủ cung cấp các dịch vụ quản lý hành chính hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và hiệu quả ứng dụng cao hơn.
Nhấn mạnh về việc phát triển thành phố thông minh thông qua Internet Kết nối vạn vật (The Internet of Everything), ông Phan Thanh Sơn khẳng định: “Cisco đang tiên phong trong việc tạo dựng nền móng cho các thành phố thông minh qua việc phát triển các giải pháp mạng hiện đại và kiến tạo một hệ sinh thái cho các đối tác, những người sẽ giúp các doanh nghiệp, thành phố và cả cộng đồng nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển cộng đồng và thúc đẩy các nền kinh tế trên toàn cầu. Chúng tôi mong đợi Việt Nam sẽ có nhiều thành phố thông minh trong tương lai”.
Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2014 sẽ tập trung vào các nội dung chính như: tọa đàm về “Liên kết, hỗ trợ và lan tỏa phát triển Chính phủ điện tử các vùng miền”; các chuyên đề “Phát triển hạ tầng thông tin thông minh: Nâng cao năng lực xây dựng Chính phủ điện tử”, “Phát triển dịch vụ công thông minh: Nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp”…
Trong khuôn khổ hội thảo, tọa đàm “Liên kết, hỗ trợ và lan tỏa phát triển Chính phủ điện tử các vùng miền” với sự tham gia và chia sẻ của lãnh đạo cấp cao đến từ trung ương và các địa phương (TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Trị) về kinh nghiệm triển khai và phát triển hạ tầng thông tin, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công, cũng như các sáng kiến tăng cường hợp tác giữa chính quyền điện tử các vùng miền. Những khó khăn trong việc kết nối hạ tầng thông tin tại địa phương và trung ương, và các giải pháp phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2015-2020 cũng được đề cập tại phiên tọa đàm.