Mo Mường là một Di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Mường nói chung và của người Mường nói riêng. Từ lâu, Mo Mường đã được các học giả trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu, và được đánh giá là một hiện tượng văn hóa đặc sắc chứa nhiều giá trị nhân văn, giá trị văn hóa, lịch sử huyển thoại của dân tộc Mường. Năm 2015, Sở VH,TT&DL đã tổ chức lập hồ sơ Di sản văn hóa Mo Mường trình Bộ VH,TT&DL xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam bảo trợ. Công tác lập hồ sơ đã hoàn thiện với các kết quả: Đã lập hồ sơ thông tin cá nhân của 200 nghệ nhân Mo Mường trên địa bàn tỉnh; bước đầu xác định được từng "nổ" (tương đương như dòng họ) Mo Mường; xác định được những thế hệ tiếp cận qua việc cung cấp thông tin về các học trò của các nghệ nhân, qua phân tích phiếu điều tra cho biết hiện nay có 169 người đang học mo với các nghệ nhân Mo Mường; khảo sát được vật thiêng của Ông Mo là túi "Khót", xác định đây là phần văn hóa vật thể của Mo Mường... Trong hệ thống các bài Mo Mường, những nghi lễ còn thường xuyên thực hiện, và những nghi lễ không còn được thực hiện: Nhóm Mo nghi lễ cầu phúc lộc có 5/7 nghi lễ còn thực hiện thường xuyên; nhóm Mo nghi lễ gọi vía có 4/7 nghi lễ thực hành thường xuyên; nhóm Mo nghi lễ cầu yên, cầu sức khỏe có 2/7 nghi lễ còn được thực hiện...
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà chuyên môn đã có những ý kiến đóng góp tâm huyết, là cơ sở luận cứ khoa học cho Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình. Đồng thời, tập trung trao đổi, phân tích, cung cấp thông tin tư liệu như: Những giá trị về tri thức dân gian trong Mo Mường; vấn đề ngôn ngữ Mường trong Mo Mường; các đề xuất, biện pháp, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa Mo Mường...
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý, các nhà chuyên gia để đưa Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình được công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ chỉnh lý các văn bản tham luận, xin chủ trương để in ấn, xuất bản "Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình". Đây sẽ là một tài liệu quan trọng trong bộ hồ sơ khoa học của Di sản văn hóa Mo mường Hòa Bình./.